Chùm đô thị cho Thủ đô
Mô hình chùm đô thị sẽ tiếp tục là một bài toán cần chú trọng trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>> Đô thị thích ứng
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu và nguyên tắc phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ trên địa bàn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định đây là một “việc khó” cần sự chung tay và quyết tâm của nhiều bên để đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
- Ông có nhận định ra sao về việc lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2020 tại thời điểm hiện nay?
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ với công tác quy hoạch Thủ đô.
Tuy nhiên, vì Hà Nội là Thủ đô nên có đặc thù so các địa phương khác, phải triển khai đồng bộ các yêu cầu ở mức cao về công tác quy hoạch, định hướng phát triển. Theo đó, hiện nay Thành phố đang vừa điều chỉnh quy hoạch chung, vừa lập quy hoạch mới và xây dựng chương trình phát triển đô thị. Đặc biệt, TP cũng đang đề xuất điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô.
Đoàn giám sát của Quốc hội và HĐND Thành phố cũng đã chỉ ra có đến 14 tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Do đó, để công tác lập Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng, đảm bảo tích hợp được các quy hoạch hiện có, phải vừa phù hợp với hiện trạng lại vừa khắc phục những hạn chế, phát huy được lợi thế,… là một việc khó, cần sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ cũng như sự phối hợp thông suốt của nhiều cơ quan, ban ngành.
- Ông có thể trao đổi rõ hơn về những “việc khó” mà ông vừa đề cập?
Quy hoạch Thủ đô được bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ phải tích hợp, giải quyết hài hòa được nhiều vấn đề lớn. Do đó, trước hết, phải làm rõ những định hướng, quan điểm, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng và tổ chức sắp xếp lại không gian. Các mục tiêu này không được tách biệt mà phải được thực hiện hài hòa trong cùng một quy hoạch.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, liên quan đến công tác quy hoạch, đoàn giám sát của Quốc hội và HĐND Thành phố cũng đã chỉ ra có đến 14 tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Đơn cử như công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch các đô thị vệ tinh. Chất lượng một số đồ án chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư…
Chẳng hạn, về mô hình cấu trúc Thủ đô, trong quy hoạch đã được phê duyệt năm 2011 đã xác định là mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn. Đây là một mô hình qua nghiên cứu cho thấy là phù hợp và khoa học dù kết quả thực hiện cho đến nay chưa được như kỳ vọng. Do đó, trong nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô lần này vấn đề xây dựng mô hình chùm đô thị như đã nói tiếp tục là một bài toán cần chú trọng.
Có thể bạn quan tâm |
Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến một số vấn đề “nóng” mà quy hoạch Thủ đô cũng cần đề cập, giải quyết như giảm tải áp lực dân số nội đô lịch sử, cải tạo chung cư cũ, di chuyển nhà máy công nghiệp cũ và các cơ sở giáo dục đào tạo cũ ra khỏi nội đô…
- Cũng liên quan đến đô thị vệ tinh, vừa qua, dư luận khá quan tâm đến mô hình “thành phố trong thành phố”, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Theo tôi, việc nâng cấp một số quận huyện lên thành phố, cần đi từ gốc của vấn đề là tiêu chí đánh giá, xét duyệt do đã có quy định.
Như đã nói, mô hình phát triển của Hà Nội là chùm đô thị, đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái. Đã là chùm đô thị thì tên gọi của các đơn vị hành chính muốn là gì cũng không sao, đó là việc đặt tên, nhà nước đã có quy định.
Cụ thể, trước năm 2016 đã quy định trong thành phố chỉ có các thị xã, thị trấn, từ 2016 trở đi Quốc hội đã quy định có thêm mô hình thành phố, vừa qua đã thí điểm TP Thủ Đức tại TP.HCM.
Phải khẳng định mô hình phát triển là yếu tố cơ bản, còn tên gọi của từng yếu tố tạo nên mô hình là gì thì căn cứ vào tiêu chí đã có đề xuất khi đảm bảo yêu cầu của quận hay thành phố trong thành phố.
Việc đặt vấn đề TP. Sơn Tây, TP. Hòa Lạc,… cần tùy theo tiêu chí của thời điểm dự kiến đô thị hóa chứ không phải thời điểm xác định một cách chủ quan.
- Từ những vấn đề đặt ra như trên, theo ông, đâu là trọng tâm cần chú ý để công tác lập quy hoạch Thủ đô lần này đảm bảo chất lượng?
Nhìn chung, việc lập quy hoạch cần triển khai đồng bộ, hiệu quả, với phương châm cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước, cần sự quyết tâm, kết nối, cần bộ máy quản lý để tích hợp tất cả quy hoạch nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh lợi ích ngành, lợi ích nhóm.
Cụ thể, như đã nói ở trên, việc vừa điều chỉnh quy hoạch chung, vừa lập quy hoạch mới và xây dựng chiến lược phát triển đô thị vừa điều chỉnh Luật Thủ đô. Do đó cần có sự thống nhất để làm sao để 4 vấn đề trên đồng tiếng nói, vì lợi ích chung.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm