Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>Các địa phương “loay hoay” lập quy hoạch
Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2.
Nội dung lập quy hoạch phải đảm bảo tính liên kết, thống nhất đồng bộ với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Thủ đô và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp thành phố, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Có thể bạn quan tâm |
Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
Đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam chia sẻ, mấu chốt để mang đến thành công cho Thủ đô trong lần điều chỉnh quy hoạch chung này là Hà Nội phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch, không đi theo lối mòn của lập quy hoạch truyền thống nữa.
Thứ nhất, việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Hà Nội được thực hiện trong giai đoạn mới khi chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công cuộc công nghệ số, chuyển đổi số là một trong những điểm mà Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm, xây dựng Chính phủ điện tử, và Hà Nội cũng cần thay đổi như thế.
Công nghệ số sẽ mang đến dữ liệu cụ thể về đất đai, kinh tế và góp phần tránh khỏi những việc điều chỉnh quy hoạch gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung – điều mà bấy lâu nay đã trở thành vấn nạn tại Hà Nội, hệ quả là phá vỡ kết cấu hạ tầng đô thị.
Thứ hai, làm rõ sự phát triển của các đô thị vệ tinh để tạo ra nguồn lực phát triển.
Hà Nội cần xác định rõ định hướng phát triển của các đô thị vệ tinh. Hà Nội đang có một hệ thống giao thông cơ bản là 4 đường vành đai, chúng ta cần biết tận dụng hành lang của 4 vành đai đó để phát triển đô thị. Thủ đô cũng cần cẩn thận giữ được quỹ đất để tạo ra vành đai xanh, an ninh lương thực, nguồn đất dành cho tương lai.
Như vậy thành phố sẽ được phát triển theo các vành đai trong đó có lõi đô thị trung tâm, tiếp đến là các đô thị đang phát triển và ngoài cùng là vành đai xanh. Vành đai xanh này sẽ là khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm lớn để người dân có thể sống cùng với nghề nông.
Ngoài ra, Hà Nội cần quyết tâm thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ, giải bài toán cải thiện chỗ ở cho người dân, ổn định an sinh xã hội, nâng cao bộ mặt đô thị.
Thứ ba, cần đưa chuỗi đô thị sông Hồng vào quy hoạch này, và tính toán kỹ về quỹ đất thực hiện, đấu giá đấu thầu mang đến nguồn lực để xây dựng đô thị. Đồng thời để phát triển đô thị mà quy hoạch năm 2011 chưa đáp ứng được. Điều này sẽ giúp Hà Nội giải bài toán giãn dân trong trung tâm mà Hà Nội vẫn loay hoay nhiều năm qua.
Và cuối cùng, việc điều chỉnh quy hoạch cần tham khảo, có sự góp ý từ phía cộng đồng chuyên gia, lấy ý kiến các nhà chuyên môn để đưa ra phương án khả thi nhất.
Có thể bạn quan tâm
Đẩy nhanh điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hà Nội
16:28, 19/01/2022
Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội
05:00, 10/12/2021
Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội là cần thiết
05:00, 18/11/2021
Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?
14:12, 03/06/2019
"Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu
14:18, 10/01/2019