Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô
Định hướng phát triển Thủ đô đã đặt ra mục tiêu phải quy hoạch Hà Nội không chỉ là Thủ đô xứng tầm của cả nước mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới.
>>> Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội
Năm 2022, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chủ trương, đề án, dự án quan trọng đã được Thành ủy thông qua. Đây là các dự án có tính quyết định, đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn 2020 - 2025 và nhiều năm tiếp theo.
Tạo được bản sắc riêng
Một trong những nhiệm vụ quy hoạch quan trọng mà thành phố đang đặt ra mục tiêu thực hiện đó là hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô, trong đó, tiếp tục giảm dân số khu vực nội đô lịch sử.
Nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực huyện dự kiến lên quận trong giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Hà Nội cũng đặt ra định hướng nghiên cứu cấu trúc không gian, lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển. Phát triển cân đối không gian hai bên trục sông Hồng và phát triển phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.
Khu vực này có tính chất là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch và dịch vụ giao thông đầu mối.
Có thể bạn quan tâm |
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng đang dự kiến phát triển khai thác giao thông đường thủy nội địa hình thành hệ thống cảng hàng hóa kết hợp dịch vụ logistics tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực sông Hồng.
Phát triển hệ thống cảng hành khách kết hợp các khu vực dịch vụ, các cụm trung tâm công cộng, kinh tế, thương mại, đầu mối giao thông công cộng liên kết với khu vực nội đô và kết nối hai bên bờ sông tạo thành các điểm đột phá trong hình thức sử dụng bãi sông làm hạt nhân phát triển cho cả khu vực.
Định hướng phát triển Thủ đô đã đặt ra mục tiêu phải xây dựng Hà Nội không chỉ là Thủ đô xứng tầm của cả nước mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới. Một đô thị muốn có sức cạnh tranh, muốn phát triển lớn mạnh không phải chỉ hòa đồng với các đô thị khác mà còn phải tạo ra được bản sắc riêng.
Bản sắc riêng ở đây chính là một Hà Nội xanh, nhưng cái xanh không chỉ là nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn phải thể hiện ở việc bảo tồn, phát huy giá trị của các khu nội đô cũ. Do đó việc quy hoạch kiến trúc không gian sống phải phù hợp với thế mạnh của từng khu vực, từng địa phương cụ thể.
Định hướng 3 phân khu lớn
Hà Nội hiện nay nên quy hoạch thành 3 phân khu lớn. Phân khu thứ nhất là khu Hòa Lạc quy hoạch thành khu giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo, khu phụ trợ hỗ trợ sinh viên khi ra trường có nhà ở xã hội giá rẻ để kinh doanh khởi nghiệp.
Phân khu thứ 2 là khu Đông Anh quy hoạch thành khu logistics, khu du lịch, khu vật liệu xây dựng bởi khu vực này có điểm thuận lợi đó là sân bay Nội Bài thuận tiện việc đi lại.
Phân khu thứ 3 là khu Gia Lâm giáp với tỉnh Hưng Yên, khu này phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm theo thế mạnh của vùng. Làm được việc này sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại cho người lao động khi di chuyển, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực nội đô.
Khi xây dựng phân khu để hấp dẫn người tái định cư, thành phố cần đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện và hướng tới chất lượng cuộc sống cao. Đặc biệt, phải liên kết thuận tiện giữa hệ thống giao thông với nội đô; gắn kết văn hóa, kiến trúc truyền thống nơi ở cho người tái định cư. Điều này sẽ giúp người dân dù có di rời khỏi nội đô nhưng vẫn có những mối liên hệ mật thiết với khu vực này.
Với tiềm năng vốn có, tôi tin chắc thời gian tới Hà Nội sẽ xây dựng được một không gian sống xứng tầm Thủ đô, vừa văn minh hiện đại, vừa tồn tại bền vững với thời gian.
Có thể bạn quan tâm