Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt: Khu vực nào hưởng lợi?
Theo đề án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt, UBND TP Hà Nội đưa ra kế hoạch cụ thể về việc thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở, công viên, dịch vụ... cho từng khu vực.
>>Hiện thực hoá "giấc mơ đô thị ven sông"
Ngày 31/3, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000ha.
NHỮNG KHU VỰC HƯỞNG LỢI
KTS. Bùi Đình Trường, chuyên gia quy hoạch đô thị, Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc Việt Nam cho rằng, bản quy hoạch mang tính lịch sử này sẽ mở ra hướng phát triển mới cho đô thị Hà Nội. Hình thành mô hình đô thị đa trung tâm, tạo nền tảng để thành phố kiến tạo một ‘Kỳ tích sông Hồng’ đột phá của thế kỷ 21".
Theo đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.
Hà Nội sẽ thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thủ đô, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm, trên đó hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại để phục vụ hoạt động lễ hội du lịch.
Có 8 bãi sông được đề cập trong đồ án, trong đó 5 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức. Bãi sông được xây dựng với tỷ lệ 15% là Tàm Xá - Xuân Canh.
Theo quy hoạch, các tuyến đê qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng (đường 4-6 làn xe); các đoạn còn lại nâng cấp thành đường 4 làn xe. Thành phố cũng dự kiến xây dựng 2 tuyến đường cấp đô thị (6 làn xe) chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới.
Có thể bạn quan tâm |
Thành phố sẽ tạo lập các không gian xanh gồm khu công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng phù hợp điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. UBND Hà Nội khuyến khích tổ chức các cuộc thi ý tưởng để lựa chọn phương án phù hợp cho việc này.
Đối với khu vực đất ở hiện có, địa phương dự kiến cải tạo bằng cách nâng cao chất lượng không gian, bổ sung tăng cường hệ thống hạ tầng xã hội như sân chơi, giáo dục, y tế, văn hóa, dành quỹ đất tổ chức không gian vườn hoa, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.
Thành phố chủ trương không san lấp hồ ao, cấu trúc khu nhà ở làng xóm xanh sạch đẹp với mật độ xây dựng thấp, nhiều sân vườn, nâng cao chất lượng sống.
Đồng thời, khuyến khích các mô hình quy hoạch, kiến trúc công trình đẹp, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu lũ. Địa phương khai thác hiệu quả cảnh quan khu vực làng nghề truyền thống phục vụ kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái dọc sông Hồng.
TÁI THIẾT, CHỈNH TRANG KHU VỰC VEN SÔNG
Theo ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, với quy hoạch trên, Thủ đô sẽ là đô thị hạt nhân, kết hợp với các đô thị vệ tinh, hình thành “vùng giao thoa” phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những cây cầu bắc qua sông Hồng đã và đang triển khai, sẽ góp phần tăng năng lực vận tải và khả năng kết nối sẽ tăng gấp nhiều lần hiện tại.
Đồ án quy hoạch cũng xác định xây dựng hai tuyến đường cấp đô thị dọc hai bên sông Hồng, sẽ là tuyến giao thông nhằm tạo sự liên kết giữa giao thông của thành phố với giao thông khu vực.
Trong khi đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng Đồ án trên là “bản lề” để mở ra không gian mới cho đô thị ven sông.
Vị chuyên gia cho biết, thực tế trong 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội trước đây, không gian sông Hồng chỉ được xác định là không gian cảnh quan vùng biên nội đô, còn bây giờ, không gian sông Hồng đã được xác quyết là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm.
Và với vị thế ấy, sông Hồng sẽ có vai trò quan trọng tác động đến sự hình thành và phát triển không gian đô thị ở hai bên bờ sông của thành phố này.
Nhiều năm qua, Hà Nội đã ưu tiên phát triển nhanh thị trường bất động sản, nhưng lại rất thiếu đất dành cho không gian xanh, không gian công cộng, bãi đỗ xe... Vì thế, Đồ án này tạo điều kiện để Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phát triển trước đây, hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, để tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng... một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư.
“Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái thiết, chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn, nhếch nhác, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ, là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của Thành phố và cải tạo xây dựng lại hàng ngàn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội” – KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn nhận thấy mức độ quan tâm về bất động sản ở phía Đông Hà Nội đã tăng 73-75% so với trước khi Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn nhận định, biến động lượng quan tâm cho thấy thị trường bất động sản dường như đang đi trước một bước để đón đầu sự phát triển trong tương lai. Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, quy hoạch đô thị sông Hồng đang tác động mạnh đến thị trường và giá đất khu vực ven sông Hồng. |
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
15:29, 31/03/2022
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Giờ vàng đã điểm!
03:00, 18/01/2022
Nam Định: Hướng đi nào cho phát triển thuỷ sản trên sông Hồng?
02:00, 14/01/2022
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và giấc mơ thành phố ven sông
00:10, 04/01/2022