Bản quy hoạch lịch sử sẽ mang đến diện mạo mới cho Thủ đô với không gian xanh và trục phát triển đa chiều về phía Đông thay vì chỉ tập trung về phía Tây.
>> Chốt thời hạn quy hoạch đô thị ven sông Hồng
>> Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng
Theo như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trước đó, chỉ hơn 10 ngày nữa, bản quy hoạch lịch sử - Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ thành hình.
Sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô.
Tổng hợp đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng kỳ vọng hướng đến những mục tiêu lớn khác như phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông; Phát triển hệ thống giao thông đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3 của đô thị trung tâm; Chỉnh trị đường dẫn giao thông thủy, bến cảng nhằm giảm áp lực giao thông cho nội đô, tạo động lực phát triển khu vực…
Có thể bạn quan tâm |
Chia sẻ tại Diễn đàn “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng về một bản quy hoạch lịch sử sẽ mang đến diện mạo mới cho Thủ đô.
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định TP Hà Nội cần phê duyệt sớm quy hoạch sông Hồng để đón nhận đầu tư. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, đồ án này tạo điều kiện để Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phát triển trước đây, hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, để tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng.
Vị chuyên gia cũng cho biết, đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái thiết, chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn, nhếch nhác, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ, là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của Thành phố và cải tạo xây dựng lại hàng ngàn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội.
Đồng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS KTS Trần Minh Tùng cũng cho rằng các thành phố trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, luôn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay dù nhỏ và tạo nên một “thương hiệu kép” giữa sông và thành phố, nghĩa là khi nhắc đến thành phố, người ta sẽ nhắc đến con sông gắn liền với thành phố đó, và ngược lại khi nhắc đến con sông, người ta cũng sẽ nhớ đến thành phố đó. Dòng sông trở thành “xương sống” để phát triển các không gian đô thị cũng như chi phối mạnh mẽ hình thái đô thị.
Rõ ràng, đất để xây nhà thì Hà Nội không thiếu nhưng đất để giúp Hà Nội trở thành một thành phố thực sự là “xanh - sạch - đẹp” thì lại đang thiếu. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông, nên chăng Thành phố Sông Hồng sẽ là một thành phố của màu xanh, mang tới diện mạo mới cho Thủ đô.
Việc sớm thông qua đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là rất thiết, đem lại nhiều lợi ích khi đưa sông Hồng trở thành trục không gian đô thị xanh của Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, để sớm phê duyệt được quy hoạch này các chuyên gia cho rằng cần sự vào cuộc thật sự đồng bộ không chỉ của Hà Nội mà của cả các Bộ ngành liên quan.
TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, một số thách thức lớn có thể kể đến như là việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng. Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm. Hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Giao thông thủy chưa phát huy khả năng.
Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.
“Sự đồng bộ của quy hoạch phân khu sông Hồng với quy hoạch vùng Thủ đô cần nghiên cứu một cách thấu đáo những bài học của thế giới như kinh nghiệm như phát triển khu vực hai bên sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp)” – vị chuyên gia cho biết.
Trong khi đó, trên cương vị đơn vị chịu trách nhiệm chính về bản quy hoạch lịch sử trên, ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Đồ án sẽ di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Từng bước di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.
Các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có (khoảng 60ha) để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.
"TP sẽ cải tạo chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh, hạ tầng xã hội, các khu vực đất ở hiện có xuống cấp; phần đất ở còn lại sau khi mở đường theo quy hoạch sẽ được cải tạo, xây dựng lại, tái thiết đô thị" - ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Chốt thời hạn quy hoạch đô thị ven sông Hồng
19:00, 16/12/2021
Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng
05:00, 11/12/2021
Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
00:30, 10/12/2021
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
13:00, 03/12/2021
Học May Sông Hồng “bán nợ”
03:00, 14/11/2021