Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng

DIỆU HOA 11/12/2021 05:00

Một bản quy hoạch lịch sử với sự mong mỏi suốt 3 thập kỷ của người dân Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hơn bao giờ hết cần phải được phê duyệt sớm.

>>> Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

>>> Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Chia sẻ mới đây của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống đã mang đến kỳ vọng về diện mạo mới của thủ đô. 

GẦN 3 THẬP KỶ LẬN ĐẬN

Sau hơn sáu thập niên xây dựng và phát triển (từ khi Thủ đô được giải phóng 10/10/1954), thành phố Hà Nội ngày nay đã mở rộng gấp 3,6 lần so với trước năm 2008, với diện tích lên đến hơn 3.300 km2, dân số gần 8 triệu người.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bản quy hoạch mang tính lịch sử

Tuy nhiên, trong dòng chảy đô thị hóa đó, hai bên sông Hồng – nơi từng là cái nôi văn hóa của người Việt lại bị lấn chiếm, xây dựng tự phát, trái phép tạo thành một khu vực lộn xộn, “khó gỡ”.

Cũng bởi vì thế, từ gần 30 năm trước, thành phố đã định hướng nghiên cứu triển khai cải tạo diện mạo hai bên bờ sông, hàng loạt bản quy hoạch đã được triển khai với mục đích xây dựng giao thông kết nối hai bờ sông, trị thủy, nhưng tất cả đều lỡ dở.

Trong đó, dự án có “tuổi đời” lâu nhất có thể kể đến là Dự án Trấn Sông Hồng năm 1994, được đề xuất xây dựng bởi nhà đầu tư đến từ Singapore, tại vị trí ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng.

Thỏa thuận tại thời điểm đó, doanh nghiệp này đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Tuy nhiên, sau đó do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai.

Đến năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.

Mãi đến 10 năm sau đó, ba ông lớn địa ốc trong nước tiếp tục tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3. Nhưng cũng không khả thi.

Đầu năm 2021, đồ án QHPK đô thị sông Hồng đã được Viện QHXD Hà Nội xây dựng và đã được Thành ủy Hà Nội thống nhất về chủ trương đối với định tại Thông báo số 180-TB/TU ngày 22/3/2021. Phương án quy hoạch điều chỉnh đã được Bộ NN&PTNT cho ý kiến tại văn bản số 4409/BNN-PCTT. Đây được đánh giá là đồ án quy hoạch lịch sử, nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng cũng như phía chuyên gia và các cơn quan chuyên môn. Tuy nhiên, được dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 6/2021, nhưng đến nay bản quy hoạch vẫn đang trễ hẹn với người dân Thủ đô.

CẤP THIẾT QUY HOẠCH PHÂN KHU ĐÔ THỊ SÔNG HỒNG

Một quy hoạch long lanh chưa thấy đâu nhưng suốt nhiều năm qua, các bản quy hoạch dự án ven sông Hồng đã đẩy hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu vực này vào cảnh “trói tay trói chân”.

Tại phường Yên Phụ, hàng chục hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án Trấn Sông Hồng suốt 25 năm qua, căn nhà, mảnh đất họ đang ở không thể làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên, mua bán thậm chí là cải tạo nhà bị xuống cấp.

Người dân thuộc vùng ảnh hưởng của quy hoạch Trấn Sông Hồng phải chịu cảnh sống tạm bợ nhiều năm qua.

Suốt nhiều năm liền, các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án Sông Hồng City nhiều lần kiến nghị lên các ban, ngành chức năng thành phố. Đặc biệt, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, các kỳ họp Quốc hội, dự án Sông Hồng City đã được các Đại biểu Quốc hội nêu tên, đưa vào danh sách các dự án sớm được triển khai, nhưng "xong rồi để đó".

Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân sinh sống ven hai bên bờ sông Hồng tại các quận, huyện như Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng… cũng rơi vào cảnh mòn mỏi đợi chờ quy hoạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Đã đến lúc đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng

    Đã đến lúc đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng

    02:59, 25/09/2021

  • Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng

    14:00, 24/09/2021

  • Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ II): Những giải pháp quy hoạch

    06:00, 24/09/2021

Đáng nói, nhiều hộ dân đã được cấp sổ đỏ từ lâu nhưng không thể xây dựng nhà, không thể chuyển nhượng hay vay vốn chỉ vì hai bên bờ sông Hồng chưa được quy hoạch nên phải giữ nguyên hiện trạng.

Bên cạnh đó, vì vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên hệ thống cơ sở hạ tầng ở những khu vực này cũng chưa được đầu tư. Theo đó, giữa lòng Thủ đô, người dân vẫn phải chịu cảnh sống tạm bợ hết năm này qua năm khác.

Sốt ruột với bản quy hoạch lịch sử trên, liên tục tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, cử tri quận này đã bàu tỏ sự sốt ruột khi mong muốn thành phố sớm công khai cho người dân biết về tiến độ thực hiện.

Có thể nói, sự cấp thiết của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đạt đến cực điểm. Trên cương vị người từng được giao chuyên trách dự án quy hoạch đô thị ven sông Hồng một thời, ông Đỗ Viết Chiến – nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, nếu không sớm thực hiện dự án sẽ triệt tiêu nguồn lực đầu tư từ 1.500 ha đất bóc ra từ thềm đất bãi. Diện tích đất bỏ không này chính là nguồn nuôi dự án nhằm tái đầu tư trở lại. Nếu không thực hiện, quỹ đất này sẽ bị lấn chiếm.

"Hiện khu đất đề xuất xây dựng dự án đã không còn vì dân lấn chiếm. Mỗi lần bản quy hoạch đưa ra lấy ý kiến thì người dân lại tranh thủ lấn chiếm ra sát bờ sông. Và hiện tại gần như mất hết nguồn lực để thực hiện dự án” - ông Chiến cho biết.

Trong khi đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở khan hiếm, thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

DIỆN MẠO MỚI CHO THỦ ĐÔ

Chia sẻ tại Diễn đàn “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định khi được phê duyệt, bản quy hoạch này sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của thủ đô.

Diễn đàn Bất động sản “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào tháng 9

Diễn đàn Bất động sản “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào tháng 9

Ông Chính cũng cho biết, TP Hà Nội cần phê duyệt sớm quy hoạch sông Hồng để đón nhận đầu tư. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, đồ án này tạo điều kiện để Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phát triển trước đây, hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, để tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng... một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư.

Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái thiết, chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn, nhếch nhác, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ, là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của Thành phố và cải tạo xây dựng lại hàng ngàn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội.

Đồng thời, là căn cứ để thực hiện hóa giấc mơ thành phố đôi bờ sông Hồng với cảnh quan kiến trúc tuyệt đẹp, với những khu nhà ở, nhà phố, công trình văn hóa công cộng có kiến trúc đặc sắc mang tính thời đại... ẩn hiện giữa màu xanh ngút mắt của cây xanh, mặt nước, đem đến môi trường sống trong lành, hạnh phúc và bền vững cho nhân dân, góp phần vào phát triển Thủ đô bền vững trong thời kỳ mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    00:30, 10/12/2021

  • Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    13:00, 03/12/2021

  • Hà Nội yêu cầu nghiên cứu đề xuất của DĐDN về đồ án quy hoạch sông Hồng

    Hà Nội yêu cầu nghiên cứu đề xuất của DĐDN về đồ án quy hoạch sông Hồng

    16:20, 29/10/2021

  • 5 định hướng chính quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    5 định hướng chính quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

    01:18, 26/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO