Bất động sản Quảng Nam và điệp khúc gia hạn tiến độ
Hàng loạt dự án tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vướng mặt bằng, thi công chậm liên tục được chính quyền Quảng Nam thống nhất gia hạn tiến độ nhiều lần.
>>Rà soát loạt dự án huy động vốn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Mới đây, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký các quyết định về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện loạt dự án bất động sản tại thị xã Điện Bàn. Theo thông tin, các dự án được gia hạn tiến độ đều vướng chung một điểm nghẽn là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa được triển khai đồng bộ giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Trong đó, tỉnh Quảng Nam quyết định gia hạn dự án khu dân cư Thống Nhất (giai đoạn 2) do Công ty Cổ phần VN Đà Thành làm chủ đầu tư. Dự án này được chính quyền Quảng Nam thống nhất điều chỉnh tiến độ thực hiện đến hết tháng 11/2022 hoàn thành, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ dự án.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam trước đó cũng đã thống nhất điều chỉnh tiến độ thực hiện các dự án khác như Khu dân cư số 1 Điện Thắng (DHTC Group), Khu đô thị thương mại và dịch vụ Bắc Hội An (Công ty TNHH Phát triển Bắc Hội An),... được giãn tiến độ từ 9 - 18 tháng vì vướng giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành cho rằng dưới tác động nhất định của dịch COVID-19, các dự án triển khai đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời gian giãn cách, môi trường làm việc luôn áp dụng các biện pháp hạn chế, cách ly nên phần nào ảnh hưởng đến công tác thi công, gây nên tình trạng kéo giãn tiến độ các dự án xây dựng.
Bên cạnh đó, công trình đang thi công rơi vào tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, giá nguyên liệu bị đẩy lên cao, thiếu lao động làm việc, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ xây dựng cũng đang gặp một số khó khăn nhất định.
“Trong khi đó, nhân lực, máy móc, thiết bị của chủ đầu tư vẫn phải duy trì để chờ mặt bằng, vừa lãng phí nguồn lực, vừa đội giá công trình, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng thi công. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng có những biện pháp, chế tài cụ thể để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thi công”, ông Bảo đề xuất.
Theo thông tin từ tổ rà soát dự án của UBND Thị xã Điện Bàn, đến nay tại khu vực đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đang có 81 dự án. Trong đó, có 30 dự án đang triển khai, 28 dự án đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chuẩn bị thi công, 05 dự án đã bàn giao và 06 dự án đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao. Đồng thời, có 12 dự án UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi và chuyển giao về UBND Thị xã Điện Bàn tiếp tục triển khai theo chỉ đạo.
Ngoài ra, tại khu vực ranh giới của khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc đến bờ đông sông Cổ Cò có 08 dự án đang được triển khai thi công. Tại kết quả rà soát để phân loại nhóm theo quyết định của tỉnh Quảng Nam có 05 dự án thuộc nhóm 1 là nhóm dự án đang triển khai nhưng vương giải phóng mặt bằng kéo dài với diện tích nhỏ hơn dự án, không có tính khả thi trong tiếp tục thực hiện GPMB.
Tại nhóm 2 là các dự án đang triển khai thực hiện (57 dự án) có 4 dự án triển khai bình thường, tuy vướng GPMB nhưng khả năng GPMB còn lại cao, chủ đầu tư cam kết thực hiện. Có 08 dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hoặc đã được gia hạn tiến độ lần 1.
Ngoài ra, có 02 dự án nằm trong nhóm thu hồi. Đồng thời, có 02 dự án UBND Thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, giải quyết.
Trong đó, địa phương này cũng đề xuất gia hạn tiến độ của các dự án Ngọc Dương Riverside (Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng – Quảng Nam), Khu phố chợ Điện Nam Trung (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Nguyên Thịnh Phát), Khu dân cư thống nhất giai đoạn 1,2 (Công ty VN Đà Thành),...
Tổ rà soát cũng đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn phối hợp với các ban, ngành và địa phương hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện tốt công tác thu hồi đất, lập phương án bồi thường, GPMB,... Hỗ trợ, giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án để các dự án sớm hoàn thành thủ tục hồ sơ pháp lý để triển khai thi công.
“Chủ đầu tư có trách nhiệm giữ hiện trạng dự án sau khi đã được bàn giao mặt bằng để tránh xảy ra trường hợp người dân tái lấn chiếm đất và tập trung nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án sau khi gia hạn tiến độ thực hiện dự án”, văn bản do ông Đặng Hiệp Lực, Trưởng phòng Quản lý đô thị ký nêu rõ.
Có thể bạn quan tâm