Xã hội hoá nguồn vốn bảo hiểm
Nguồn vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp bảo hiểm cho những doanh nghiệp bất động sản niêm yết sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng.
>>Địa ốc “chới với” vì hết quota vốn
Mới đây, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18%. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.
Có thể bạn quan tâm |
Luật này quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng sẽ được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.
Đồng thời, được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.
Trước đó, tại Khoản 2 Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực như: Mua trái phiếu Chính phủ; Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa luật về bảo hiểm và kinh doanh bất động sản, dự thảo luật sửa đổi đã bỏ quy định về cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để kinh doanh bất động sản, nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “tái đầu tư trở lại vào nền kinh tế” theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và theo quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của Chính phủ, để đảm bảo sự phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị.
Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn “xã hội hoá” rất lớn, nhất là nguồn vốn nhàn rỗi bảo hiểm nhân thọ (thường có độ dài hàng chục năm hoặc lâu hơn) cần được khai thác, sử dụng hiệu quả để bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư “xã hội hoá” cho nền kinh tế, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; hoặc được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.
Theo ông Châu, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng là quyết định rất đúng, rất trúng phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
"Thực hiện khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ vừa cung ứng thêm một nguồn vốn “xã hội hoá” từ nguồn vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp bảo hiểm cho những doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán là các doanh nghiệp có tính minh bạch cao và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vừa tạo được kênh đầu tư cho doanh nghiệp bảo hiểm, vừa hạn chế rủi ro trong đầu tư cho chính doanh nghiệp bảo hiểm và vừa góp phần chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng" - ông Châu khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số giúp minh bạch thị trường bất động sản
15:38, 17/06/2022
7 khuyến nghị thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản
08:01, 17/06/2022
Happy Home “giải cơn khát” thị trường bất động sản Cà Mau
08:00, 17/06/2022
Bất động sản Hồ Tràm “cất cánh” nhờ hạ tầng giao thông
18:45, 16/06/2022
Giải pháp căn cơ chống thất thu thuế bất động sản
04:50, 16/06/2022