Khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững đô thị biển
Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại.
>>Malibu Hội An bị xử phạt vì xây dựng không phép
Chiều 03/8, Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam phối hợp Hiệp hội bất động sản tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” tại tỉnh Quảng Nam. Qua đó, tìm hướng đi mới cho những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận trong tương lai cần làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, ông Bửu đặt vấn đề về các mô hình cho hệ thống đô thị ven sông, ven biển sẽ phát triển đô thị theo điểm, gần với các trục hay chuyển sang mô hình chuỗi, thúc đẩy sự lan dần tạo thành các màng đô thị lớn.
“Vấn đề thứ hai là sử dụng hiệu quả tài nguyên, chúng tôi có đất, có biển, có sông và quan trọng, chúng tôi thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn. Vấn đề là phương án nào để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó, vừa đáp ứng cho mục tiêu trước mắt nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự trữ cho những mục tiêu lâu dài. Đồng thời, cần thêm các giải pháp nhằm ứng phó với các nguy cơ môi trường trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt đối với khu vực nhạy cảm sông – biển, vừa thích nghi với khí hậu vừa phải tạo nét đặc sắc riêng đối với đô thị vùng sông, vùng biển”, ông Hồ Quang Bửu kiến nghị.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt vấn đề đến kinh tế đô thị, công ăn việc làm và an sinh xã hội. Qua đó, biến các đô thị thực sự là nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: Hiện tại quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển. Trong đó, nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng.
Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai, không gian “mặt tiền” này được thực hiện dựa trên tư duy quy hoạch đô thị biển chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.
“Các loại đất ven biển đều phải thực hiện quy hoạch, và quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước. Cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển”, ông Trần Ngọc Chính đề xuất.
Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
“Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản – thiên nhiên và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới”, ông Toan nói.
Theo các chuyên gia, cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước. Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng khẳng định một trong những mục tiêu và nhiệm vụ là tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. |
Có thể bạn quan tâm