Đòn bẩy phát triển bất động sản tại Đồng bằng sông Cửu Long
Nhiều doanh nghiệp có xu hướng “săn đón” quỹ đất và chuyển nhà máy sản xuất về Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân do hạ tầng giao thông tại khu vực này ngày càng được Chính phủ phát triển mạnh mẽ.
>>Đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội: Chưa hợp lý
Có thể thấy, suốt thời gian vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về chính sách và nguồn vốn, nhằm thúc đẩy cho thị trường bất động sản được phát triển an toàn và bền vững.
Thông qua những hỗ trợ từ Chính phủ, bất động sản tại ĐBSCL cũng được hưởng lợi gián tiếp bởi việc triển khai các dự án hạ tầng, du lịch khởi sắc và thúc đẩy nền kinh tế - xã hội khu vực tăng tốc.
Dựa theo số liệu nghiên cứu, ĐBSCL có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trên cả nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 – 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang là khu vực đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP, đạt hơn 14%.
Trong Q1/2023, với chính sách điều hành vĩ mô cùng thu hút nguồn đầu tư đúng đắn, tỉnh Hậu Giang đã đứng vị trí đầu tiên về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên cả nước và đứng đầu ĐBSCL vào năm ngoái. Hiện nay, địa phương này sở hữu hơn 3000 doanh nghiệp đang hoạt động, 2 KCN và 8 cụm công nghiệp. Theo dự kiến, tỉnh này sẽ triển khai thêm 7 khu công nghiệp mới đến năm 2030, với tổng diện tích 1.741 ha.
Theo đó, các khu công nghiệp tại khu vực ĐBSCL đã dịch chuyển theo dọc các tuyến đường cao tốc. Một vài địa phương cũng chuẩn bị quỹ đất sạch và quy hoạch khu công nghiệp để chào đón làn sóng đầu tư mới. Có thể kể đến như tỉnh Hậu Giang đã đưa vào quy hoạch 10 KCN với tổng diện tích gần 4.000 ha; tỉnh Sóc Trăng cũng đưa vào quy hoạch 4 KCN ven sông Hậu với diện tích 800 ha;…
Ông Dương Quốc Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho biết, việc quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang là đòn bẩy để phát triển cho bất động sản tại ĐBSCL, đặc biệt là những địa phương sở hữu các dự án cao tốc đi qua như TP Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Vào ngày 17/6 sắp tới, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối đến cảng Trần Đề) thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng cũng sẽ được khởi công xây dựng.
Đánh giá về lợi thế của ĐBSCL, ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam chia sẻ, hiện nay giao thông tại đây đang được cải thiện rõ rệt thông qua 8 công trình trọng điểm đang được thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thiện trong 3 năm tới. Do đó, khi gia tăng liên kết vùng, không chỉ các ngành sản xuất công nghiệp được hưởng lợi mà cả các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt cùng hệ du lịch sinh thái cũng sẽ có tiềm năng phát triển.
>>Quảng Nam yêu cầu doanh nghiệp cam kết tiến độ khu nhà ở công nhân
Với lợi thế có nhiều quỹ đất sạch cùng những cơ chế ưu đãi của địa phương thì đây được coi là điểm cộng đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các khu công nghiệp được phát triển hầu như đều do chủ đầu tư trong nước. Các cụm, khu công nghiệp chưa được phân bổ đồng đều, chủ yếu đều có vị trí tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long... Do vậy, việc kết nối các vùng sẽ giúp gia tăng giá trị các dự án bất động sản công nghiệp tại nhiều địa phương.
Nhìn chung, Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Với việc phát triển hạ tầng giao thông, mục tiêu đến năm 2030 cùng chiến lược phát triển kinh tế tập trung chủ yếu vào 4 yếu tố (Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch và Đô thị) sẽ đóng góp cho thị trường ĐBSCL. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều thách thức thì phân khúc khu công nghiệp lại là “điểm sáng” mang nhiều tiềm năng phát triển cho thị trường.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Cần Thơ) cho rằng, ĐBSCL mang lợi thế thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành gồm lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng. Đáng chú ý, ngành năng lượng có thể là bước đột phá mới trong thu hút vốn FDI cho khu vực.
Mặc dù đã giải tỏa được tâm lý e ngại của nhà đầu tư về nút thắt hạ tầng, tuy nhiên để thu hút được nguồn vốn FDI thì địa phương này cần cải thiện những yếu tố như khí hậu, cơ sở hạ tầng logistics, thiếu lao động có tay nghề cao,..
Có thể bạn quan tâm
Tiến độ các dự án bất động sản được gỡ khó như thế nào?
00:30, 06/06/2023
Meey Map tìm cách giải bài toán minh bạch cho thị trường bất động sản như thế nào?
14:42, 05/06/2023
Giá bất động sản khó giảm sâu
03:00, 05/06/2023
Thị trường bất động sản được gỡ khó nhờ giảm lãi suất cho vay
01:00, 05/06/2023
Bất động sản công nghiệp: Còn nhiều “lực cản"
15:14, 04/06/2023