Giải bài toán cho nhà ở xã hội
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động, rất nhiều công nhân vẫn chưa có chỗ “an cư”.
>>Quảng Bình sẽ đón chào năm mới 2024 bằng nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế
Tồn tại nhiều hạn chế
Theo thông tin từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tại, cả nước có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp tại các KCN và khu chế xuất. Trong số này, có khoảng 1,8 triệu công nhân đang có nhu cầu về nhà ở.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở cho công nhân cho thấy, cho đến nay, cả nước mới chỉ hoàn thành đầu tư xây dựng 126 dự án, với tổng quy mô khoảng 62.700 căn hộ và tổng diện tích hơn 3,1 triệu m2. Điều này chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động. Vì vậy, vẫn còn nhiều công nhân đang đối diện với tình trạng thiếu nhà để "an cư".
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn N&G đã thể hiện một tầm nhìn quan trọng về việc cung cấp nhà ở an toàn và chất lượng cho công nhân. Theo đó, việc xây dựng nhà ở cho công nhân là một vấn đề cấp bách, đặc biệt là về mặt an toàn. Những ngôi nhà dành cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, bởi công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội, vì vậy cũng cần tạo điều kiện sống an toàn và thoải mái cho họ.
Tuy nhiên, ông Đặng cho biết, hiện tại còn tồn tại những khó khăn liên quan đến vấn đề thiếu quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách đầu tư đối với nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội (NƠXH) nói chung. Các quy định trước đây về diện tích và số lượng người/đơn vị diện tích đã trở nên lỗi thời và cần được điều chỉnh.
Trong đó, các vụ cháy chung cư mini gần đây đã cho thấy rõ rằng chất lượng nhà ở đang gặp nhiều vấn đề. Do vậy, không thể tiếp tục chấp nhận tình trạng nhà ở cho người lao động có chất lượng kém.
Ông Nguyễn Ninh - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Kiến Ninh chia sẻ về những khó khăn và thách thức mà đơn vị đối diện trong lĩnh vực NƠXH tại TP.HCM. Trong đó, các thủ tục để khởi công dự án phức tạp và kéo dài thời gian vẫn chưa được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất làm NƠXH còn thiếu tiện ích kèm theo, nằm quá xa trung tâm thành phố và hạ tầng chưa được đồng bộ khiến tâm huyết của doanh nghiệp sụt giảm, sẽ trở nên khó thanh khoản nếu triển khai.
Đồng thời, những người mua nhà cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn vốn vay, và điều này khiến cho việc mua nhà trở nên xa vời.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí cả công chức và viên chức tại các đô thị lớn là một nhu cầu cấp thiết và hoàn toàn chính đáng. Thống kê cho thấy hiện nay, có khoảng 70% số công nhân làm việc trong các KCN phải sống trong những khu nhà trọ do người dân tự xây dựng.
Tạo cơ hội sở hữu NƠXH
Từ những vấn đề trên, theo ông Hà, cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ Nhà nước để đảm bảo rằng các công trình này tuân theo quy hoạch, có kết cấu an toàn và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong quá trình sử dụng.
>>Nhiều tiêu chí "đánh đố" người mua nhà ở xã hội sẽ được loại bỏ
Điều này bao gồm việc tăng cường quản lý từ quá trình cấp phép xây dựng, quá trình xây dựng đến quản lý vận hành sau khi hoàn thành. Bên cạnh đó, các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn PCCC.
Việc quản lý này có thể được ủy nhiệm cho phường, quận để tạo nguồn thu từ các công trình này và hỗ trợ cho công tác quản lý. Điều này có thể giúp giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến cháy nổ và đảm bảo an toàn cho người dân.
Cùng với đó, ông Hà Phước Thắng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, theo báo cáo, TP, Thủ Đức đang hoàn thiện 2 dự án NƠXH với 1.490 căn hộ, tuy nhiên lượng người đăng ký mua chưa đến 100 người.
Do vậy, để giải quyết vấn đề về tiêu thụ căn hộ NƠXH tại khu vực, ông Thắng đề xuất chủ đầu tư mở rộng nhóm đối tượng được mua NƠXH để tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội sở hữu nhà.
Ngoài ra, ông Thắng cũng đề xuất cần có sự phối hợp giữa thành phố Thủ Đức cùng Liên đoàn Lao động Thành phố và Ban Quản lý các khu chế xuất, KCN để tuyên truyền đến các đối tượng như công nhân và người lao động về các dự án trên địa bàn.
Cùng với đó, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các yếu tố về vốn, quỹ đất và chính sách cần được khơi thông. Suốt thời gian qua, các địa phương vẫn dành nhiều quỹ đất cho phát triển nhà ở thương mại thì đến nay nên bố trí và phân bổ để phát triển NƠXH và nhà ở cho công nhân.
Có thể bạn quan tâm