Lập doanh nghiệp nhà nước làm nhà ở xã hội

DIỆU HOA 30/09/2023 00:00

Các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp nhà nước làm NƠXH là hoàn toàn khả thi và đã được kinh nghiệm thế giới chứng minh.

>>Giải bài toán cho nhà ở xã hội

Trong báo cáo mới đây về thực hiện các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2025, Sở Xây dựng TP HCM đề xuất, thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý NƠXH trên địa bàn.

 Để cho tư nhân đầu tư sau đó lại ban hành quy định để kiểm soát giao dịch NƠXH đã cho thấy tính kém hiệu quả, và khó đạt được mục tiêu đề ra.

Để cho tư nhân đầu tư sau đó lại ban hành quy định để kiểm soát giao dịch NƠXH đã cho thấy tính kém hiệu quả, và khó đạt được mục tiêu đề ra.

Cơ quan tập trung về nhà ở xã hội

Để thúc đẩy phát triển NƠXH, Sở Xây dựng TP. HCM kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình - theo Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - đến hết năm 2025.

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Căn hộ Nam Long (thuộc đơn vị kinh doanh Nam Long Land - Tập đoàn Nam Long) cho biết, việc phát triển NƠXH đối với nhiều doanh nghiệp là một nỗi e ngại. Bởi chi phí đầu vào để phát triển dự án NƠXH như giá đất, nguyên vật liệu, nhân công đều tăng cùng với các thủ tục pháp lý dự kéo dài gây áp lực lớn đến chi phí - lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Quang cho biết, các doanh nghiệp BĐS luôn sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của UBND Thành phố và muốn tham gia xây dựng để hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp.

Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đơn cử khi nhà đầu tư tìm được quỹ đất, thỏa thuận đền bù hầu hết thành công nhưng chỉ còn vướng thủ tục đền bù của một vài hộ dân hoặc thủ tục liên quan quyền sử dụng đất làm kéo dài thêm 2 - 3 năm, thậm chí lâu hơn dẫn đến làm nản lòng nhà đầu tư vì nếu nhà đầu tư có kiên trì phát triển thì chi phí cũng tăng lên rất cao.

Trong khi đó, ông Ngô Gia Hoàng, giảng viên Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, với cơ chế hiện nay là để cho tư nhân đầu tư và dành các ưu đãi để hạ giá thành, sau đó lại ban hành hàng loạt quy định để kiểm soát giao dịch NƠXH đã cho thấy tính kém hiệu quả, không khả thi và khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

“Nhà nước nên trực tiếp đầu tư NƠXH và có những khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho các đối tượng yếu thế, thay vì ưu đãi để khuyến khích tư nhân đầu tư. Nhà nước cần lập ra một cơ quan quản lý nhà ở để quản lý tập trung, thống nhất từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, bố trí quỹ đất, tổ chức thực hiện các dự án NƠXH, cũng như quá trình phân phối nhà ở và quản lý vận hành NƠXH sau khi hoàn thành dự án", ông Ngô Gia Hoàng nói.

Kinh nghiệm tại Singapore, Hàn Quốc

Các chuyên gia đánh giá kinh nghiệm thế giới cho thấy việc doanh nghiệp nhà nước đứng ra phát triển các dự án NƠXH là hoàn toàn khả khi. Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới như Singapore, Hàn quốc, Pháp... đều có chính sách NƠXH và các chương trình phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu nhà ở ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo “chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện”, đặc biệt là các chính sách về tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án NƠXH và hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê NƠXH phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau.
Ở các nước trên thế giới, phổ biến nhất là thuê NƠXH, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (mua trả góp dài hạn từ 20 - 30 năm).

Đơn cử như tại Singapore, quốc gia này đáp ứng nhà ở cho người dân thông qua mô hình các Tập đoàn hoặc Tổng công ty nhà nước đủ mạnh, có sự hỗ trợ của nhà nước về đất đai, tài chính để chuyên đầu tư phát triển loại hình nhà ở này. Đến nay Singapore có trên 90% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó có tới 83% số người được sở hữu nhà ở giá thấp.

Về tổ chức bộ máy chuyên trách, cơ quan Nhà ở và Phát triển (Housing & Developmen Board - HDB) có trách nhiệm về quyền hạn từ công tác quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất và xây dựng, phân phối, quản lý, bảo trì và các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở trong một tổng thể chung.

Về nguồn lực tài chính, Singapore đã “thành lập Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) để quản lý hệ thống quỹ tiền tiết kiệm bắt buộc, trong đó người lao động phải đóng góp tiết kiệm tiền lương tháng cho CPF (người sử dụng lao động đóng 14%/tháng và người lao động, công chức thu nhập thấp phải đóng 20%/tháng).

Bên cạnh đó, để người dân có thể mua nhà, Chính phủ cung cấp các khoản vay sao cho mỗi tháng người dân chỉ phải trích dưới 20% thu nhập để trả tiền mua nhà.

Tại Hàn Quốc, NƠXH chủ yếu do Tổng công ty nhà ở và đất đai (LH) thực hiện hoặc chỉ định nhà thầu thực hiện và tất cả các dự án đều nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ về phát triển NƠXH; cũng như được hỗ trợ đầy đủ theo quy định.

Động lực chính để LH phát triển các dự án NƠXH là việc Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng được kênh dẫn vốn hiệu quả và bền vững.

Trong giai đoạn đầu phát triển NƠXH, khi Chính phủ Hàn Quốc có nguồn ngân sách eo hẹp, cần mở rộng nguồn cung nhà ở nên việc huy động chủ yếu thông qua Quỹ xổ số Nhà ở (hỗ trợ xây dựng 45.000 đơn vị nhà ở).

Hiện nay, việc huy động vốn để phát triển NƠXH chủ yếu thông qua Quỹ nhà ở và Đô thị quốc gia (tiền thân là Quỹ nhà ở quốc gia). Khoảng 70% vốn của quỹ được huy động từ Trái phiếu nhà ở quốc gia, được nhà nước phát hành, khoảng 30% vốn được huy động từ tiền gửi tiết kiệm của người dân và các nguồn khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán cho nhà ở xã hội

    Giải bài toán cho nhà ở xã hội

    02:30, 29/09/2023

  • Nhiều tiêu chí

    Nhiều tiêu chí "đánh đố" người mua nhà ở xã hội sẽ được loại bỏ

    12:00, 28/09/2023

  • Nhu cầu về nhà ở xã hội tại Khánh Hòa tăng cao

    Nhu cầu về nhà ở xã hội tại Khánh Hòa tăng cao

    18:11, 26/09/2023

DIỆU HOA