“Hết cửa”giảm lãi suất cho vay?

Hải Anh 15/09/2018 11:01

Thay vì kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm, cộng đồng doanh nghiệp đang lo lãi suất sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Các ngân hàng thương mại hiện không chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để đáp ứng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn sẽ giảm xuống 40% kể từ đầu năm tới, mà đang tăng cả lãi suất huy động ngắn hạn.

 Lãi suất huy động trung bình của các TCTD kỳ hạn dưới 6 tháng đến 24 tháng

Lãi suất huy động trung bình của các TCTD kỳ hạn dưới 6 tháng đến 24 tháng

Cuộc đua lãi suất thêm nóng

Làn sóng tăng lãi suất huy động đã manh nha từ đầu tháng 7 và diễn ra mạnh mẽ hơn trong tháng 8. Thế nhưng, việc tăng lãi suất mới chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng nhỏ và vừa tại các kỳ hạn dài nên chưa khiến nhiều người quan tâm. Không ít chuyên gia cho rằng, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng vừa qua chỉ mang tính thời vụ và chủ yếu để hút vốn trung- dài hạn, nên ít có khả năng ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên bước sang tháng 9, diễn biến đã ít nhiều có sự thay đổi. Cuộc đua lãi suất đã nóng hơn với sự góp mặt của nhiều ông lớn. Điểm đáng chú ý nữa là việc tăng lãi suất lần này không chỉ diễn ra ở các kỳ hạn dài mà cả các kỳ hạn ngắn.

Đơn cử như VietinBank, từ ngày 5/9 lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,2% lên 4,3%/năm; kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 4,8%; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng 0,2% lên 5,3%.

Tương tự, Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2% ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 6,8%/năm...

Đầu tháng 9, BIDV cũng đã thông báo cộng thêm lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm cho người gửi tiền ở một số kỳ hạn khi gửi online. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với nhiều kỳ hạn ngắn.

Trong khi đó, nhiều NHTMCP tư nhân lớn cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất. Chẳng hạn, Techcombank đã tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, kể cả các kỳ hạn ngắn, thêm 0,1%. Mặc dù không tăng lãi suất nhưng HDBank áp dụng mức cộng tới 0,7%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng theo từng độ tuổi của khách hàng hoặc khi gửi tiền trong tháng sinh nhật của khách hàng hay ngân hàng.

Theo thống kê, hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng đã được đẩy kịch trần là 5,5%/năm; trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,4%/năm; 9 tháng cao nhất là 7,8%/năm; 12 tháng là 8,0%/năm;...

Lo lãi suất cho vay sẽ tăng

Việc các ngân hàng lớn cũng đua tăng lãi suất không khỏi khiến giới chuyên gia lo ngại, nhất là khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thường được xem như một chỉ báo cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang gặp khó khăn, chứ không còn để đáp ứng quy định vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight, lãi suất tăng là do căng thẳng thanh khoản tạm thời ở một số ngân hàng nhỏ vì không huy động được đủ vốn cần thiết từ dân cư, do đó phải vay lại từ các tổ chức tín dụng lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018:   “Xé rào” lãi suất đón nhà đầu tư PPP

    Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018: “Xé rào” lãi suất đón nhà đầu tư PPP

    10:16, 11/09/2018

  • Khó ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

    Khó ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

    16:00, 26/08/2018

  • Đề xuất điều chỉnh trần lãi suất vốn vay cho các dự án PPP cao tốc Bắc Nam

    Đề xuất điều chỉnh trần lãi suất vốn vay cho các dự án PPP cao tốc Bắc Nam

    08:30, 26/08/2018

  • Khi ông lớn chỉ “trông” vào lãi suất ngân hàng...

    Khi ông lớn chỉ “trông” vào lãi suất ngân hàng...

    10:57, 17/08/2018

Một chuyên gia giải thích thêm, việc các ngân hàng nhỏ cạnh tranh hút vốn vào đúng thời điểm NHNN đang thắt chặt tiền tệ thông qua việc đẩy mạnh hút tiền về đã buộc các ngân hàng lớn cũng phải tăng theo để giữ chân tiền gửi.

Quả vậy, trong báo cáo công bố mới đây, Cty Chứng khoán Bảo Việt cũng cho biết, lãi suất liên ngân hàng bật tăng và duy trì ở mức cao kể từ giữa tháng 7 đến nay. Thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên eo hẹp hơn khi NHNN hút ròng vốn qua kênh tín phiếu và thực hiện bán ra ngoại tệ.

Mặc dù cho rằng động thái tăng lãi suất gần đây chỉ mang tính cục bộ, song TS. Nguyễn Trí Hiếu– chuyên gia tài chính ngân hàng lo ngại, bất kỳ khi nào lãi suất huy động tăng cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Đồng quan điểm này, TS. Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá đang chịu áp lực lớn, việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị VND là điều chấp nhận được và khó có thể tránh khỏi. Điều đó có nghĩa, kỳ vọng giảm lãi suất cho vay đã không còn, mà điều mong mỏi của không ít doanh nghiệp hiện nay là lãi suất không tăng trong những tháng cuối năm. Bởi vì, đó là giai đoạn các doanh nghiệp chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.

Giám đốc một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Hà Nội lo ngại: “Tôi đang lo lãi suất cho vay sẽ tăng thêm vì ngân hàng nơi tôi vay vốn cũng vừa tăng lãi suất huy động. Nếu lãi vay tăng, sẽ gây áp lực lên giá thành, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm”.

Hải Anh