Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018: “Xé rào” lãi suất đón nhà đầu tư PPP

Diendandoanhnghiep.vn Tiềm năng nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án PPP là rất lớn.

Đây cũng là một trong những chủ đề chính sẽ được thảo luận tại “Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 do VCCI phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tới đây. Hội nghị nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018.

p/Đường dẫn cầu Cửa Đại là một trong những dự án PPP đang được triển khai ở Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG

Đường dẫn cầu Cửa Đại là một trong những dự án PPP đang được triển khai ở Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG

Dư địa lớn nhưng nhà đầu tư vẫn vướng

Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư hạ tầng hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 12,6 tỉ USD. Đến giai đoạn 2016-2020, dự báo nhu cầu đầu tư khoảng 25 tỉ USD/năm, tăng gấp đôi so với mức đầu tư năm năm trước đó. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong “Sách trắng 2018”, ở phần “Đối tác công - tư”, ước tính cả giai đoạn 2016-2020, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 6,6 tỉ USD cho nhu cầu này. Trong khi đó, tiềm năng nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài lại được các chuyên gia đánh giá là rất lớn. Trung tâm Hạ tầng toàn cầu (GI Hub - Global Infrastructure Hub) trực thuộc quản lý của Nhóm các nền kinh tế lớn G20, vừa hợp tác với Oxford Economics, đơn vị hàng đầu về dự báo toàn cầu và phân tích định lượng, để thực hiện và công bố báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Việt Nam được dự đoán sẽ đáp ứng được 83% tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng. Khoảng trống lớn nhất nằm ở khối ngành đường bộ với nhu cầu vốn đầu tư tăng thêm tới 70% để có thể đáp ứng các nhu cầu dự đoán.

Theo báo cáo này, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng của Việt Nam là 605 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2040. Xét tỷ lệ đầu tư vào hạ tầng trên GDP thì nhu cầu đầu tư vào hạ tầng của Việt Nam chiếm 5,87%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc.

Nhu cầu lớn là vậy, nhưng trong 2 năm trở lại đây, không có một dự án BOT mới nào được thực hiện. Nhưng cũng giống như quốc gia khác, Việt Nam có thể cần làm nhiều hơn đối với quy trình cấp giấy phép và môi trường quy phạm pháp luật.

Như đã nói, dù dư địa đầu tư trong lĩnh vực PPP ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng quá trình đầu tư của doanh nghiệp theo hình thức PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước đó, tại Hội nghị quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh rằng hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư PPP còn chống chéo, chưa thống nhất.

Tại Hội nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản do VCCI tổ chức hồi cuối tháng 3/2018, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Cty CP Tasco kể: Theo quy định pháp luật hiện hành, sau mỗi dự án PPP đều có khâu quyết toán. Tuy nhiên, vấn đề là có quá nhiều cơ quan kiểm tra, quyết toán các dự án PPP như kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, các đoàn thanh tra, kiếm tra... Nhiều khi cùng một dự án những mỗi đơn vị này lại đưa ra một kết quả khác nhau.

“Cú hích” từ chính sách

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư mới, thay thế Thông tư số 55 quy định nội dung về quản lý tài chính đầu tư đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Một trong những điểm đáng chú ý nhất là bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP, để mức lãi suất do thị trường quyết định.

Theo đó, nhà đầu tư tự quyết huy động nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo tính cạnh tranh để có thể đấu thầu, nhà nước không can thiệp. Mức lãi suất vốn vay trong hợp đồng dự án sẽ được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn. Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất sẽ do cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư chịu trách nhiệm quyết định.

Quy định này được rất nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo nên một “cú hích” mới trong việc huy động các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực đầu tư PPP. Nói như TS Huỳnh Thế Du, Trường Đại học Fulbright, cho rằng trong nền kinh tế thị trường, lãi suất sẽ được tính toán theo lý thuyết cơ cấu vốn, có khung tham chiếu cho từng nhóm dự án. “Khi nhà nước không còn khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính, rủi ro sẽ tương ứng với suất sinh lời, xé “rào” thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia mô hình hợp tác này”, ông Du nói.
Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), định hướng xây dựng Luật về PPP.

Những thay đổi về mặt chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo dựng một sân chơi bình đẳng giữa nhà nước và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư; đồng thời, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, minh bạch, thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm tham gia các dự án PPP có vòng đời dài, nhiều rủi ro.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018: “Xé rào” lãi suất đón nhà đầu tư PPP tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714349938 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714349938 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10