Moody’s hạ bậc tín nhiệm: Không đáng lo!
Việc Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng tới cơ hội gọi vốn của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó cũng không hẳn là tất cả, bởi ngoài xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư quốc tế còn quan tâm tới các yếu tố khác của các doanh nghiệp.
Chỉ có giá trị tham khảo
Trên thực tế, các bảng xếp hạng tín nhiệm quốc tế là một chuẩn mực xếp hạng quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn. Nếu các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm tốt, dĩ nhiên sẽ được đối tác tin cậy, đánh giá rủi ro thấp và sẵn sàng hợp tác.
Thế nhưng, cho đến hiện nay, thì việc xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với các doanh nghiệp lớn, bao gồm các ngân hàng, được công bố định kỳ hoặc thường niên, về mặt nào mới chỉ có giá trị tham khảo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam bị Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ bậc tín nhiệm, thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn để huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Đối với cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm tốt cũng không hẳn là động lực để họ mua cổ phiếu. Bởi thực tế ghi nhận, nhà đầu tư ngắn hạn thường mua cổ phiếu vì kỳ vọng sinh lời giá trị hay tăng trưởng. “Dân chơi” chuyên nghiệp lại nhìn vào dòng tiền và thông tin riêng của doanh nghiệp để mua cổ phiếu. Trong khi các cổ đông dài hạn quan tâm tới mục tiêu hoặc khẩu vị hợp tác, bỏ vốn riêng...
Có thể bạn quan tâm
Hệ lụy nếu các nhà băng bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm
05:00, 14/10/2019
Bộ Tài chính khẳng định: Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm Việt Nam là “không phù hợp”
00:55, 11/10/2019
Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài, gần 500 doanh nghiệp niêm yết toàn cầu bị hạ bậc tín nhiệm
16:49, 19/08/2019
Cơ hội gọi vốn còn nhiều
Trong những năm qua, mặc dù trái phiếu quốc tế là một lãnh địa vốn rộng rãi và lợi suất thấp, hấp dẫn cho nguồn vốn dài hạn của các doanh nghiệp, song đây không phải là cánh cửa ai cũng chui lọt. Ngoại trừ nhóm ngân hàng Big four (không tính Agribank), mới chỉ có một số rất ít NHTMCP đã phát hành thành công trái phiếu quốc tế. Trong đó, VPBank đã phát hành thành công 300 triệu trái phiếu quốc, lãi suất 6,25%, kỳ hạn 3 năm.
Trong năm 2019, một loạt ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, như SHB dự kiến huy động 500 triệu USD, SeaBank với 400 triệu USD hay HDBank với 300 triệu USD... Những kế hoạch này tuy đã được cổ đông thông qua, song có lẽ vì nhiều lý do, cửa trái phiếu quốc tế đối với các nhà băng này vẫn còn nằm phía trước.
Với thực tế như vậy, chuyên gia ngân hàng Huỳnh Trung Minh đánh giá, về lý thuyết, việc Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm của 17 ngân hàng Việt Nam có thể ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu của các ngân hàng, qua đó làm hẹp cửa phát hành trái phiếu quốc tế của các tổ chức này, nhưng không hoàn toàn tác động lớn đến cơ hội gọi vốn của các ngân hàng. Bởi các ngân hàng TMCP có thể phát hành trái phiếu quốc tế không nhiều.
Hơn nữa, bản thân các ngân hàng cũng đã và đang nhìn thị trường đầu tư trái phiếu trong nước với những cánh cửa rộng – tất nhiên trong khuôn khổ kiểm soát của NHNN.
“Hiện thị trường trái phiếu trong nước với lãi suất hấp dẫn, cao hơn mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng, có thể đạt tới 9-10%/ năm, thậm chí có thể tự do chuyển nhượng... đang tạo điều kiện để các ngân hàng linh hoạt huy động vốn, đáp ứng hệ số CAR và bổ sung vốn cấp 2. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng chỉ nhìn vào lãi suất, chứ không quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm”, ông Minh nhấn mạnh.
Về cơ hội góp vốn cổ phần từ các đối tác quốc tế, các định chế cũng sẽ quan tâm đến các đánh giá xếp hạng của Moody’s hay Standard & Poor’s. Song, đó không phải là tất cả, bởi các nhà đầu tư quốc tế có định giá độc lập, sẽ quan tâm đến năng lực kiểm soát rủi ro – đồng nghĩa tỷ lệ chi phối của họ tại các ngân hàng được phép tới đâu, và ngân hàng đó có gì, có triển vọng làm ăn ra sao?.