Giảm lãi suất - Thúc đẩy nền kinh tế phát triển
Không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành, lãi suất cao còn được cho sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp…
>> Tiếp tục giảm lãi suất, gỡ khó dự án bất động sản
Theo đó, những chỉ số về phát triển kinh tế trong quý I/2023 cho thấy, sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng. Cụ thể, kinh tế quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ và giảm 14,17% so với quý liền kề trước. Đáng nói, sức tăng trưởng của các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng đều có sụt giảm mạnh như: Bắc Ninh (giảm 11,85%), Quảng Nam (giảm 10,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (giảm 4,75%), Đồng Nai (giảm 3,25%)…
Một trong những nguyên nhân được cho là tác động dẫn đến thực tế đã nêu xuất phát từ việc lãi suất cao khiến chi phí vốn bị đẩy lên gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp, trong khi kinh tế đã gặp phải nhiều không ít thách thức như sự “ảm đạm” của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV năm 2022.
Theo các chuyên gia, lãi suất hợp lý được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa phát triển, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ngược lại. Lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề lãi suất, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, lãi suất trung bình của các ngân hàng lên tới 12-13% thậm chí có ngân hàng cho vay với lãi suất bình quân lên đến hơn 14,6%. Theo đó, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7/2022 và đến tháng 2/2023 lãi suất vẫn tiếp tục được neo ở mức cao. Mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9 - 10,7% đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.
“Môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp vì lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước… thêm vào đó, lãi suất cao cũng không khuyến khích những người có vốn nhàn rỗi đầu tư thành lập doanh nghiệp mà chủ yếu khuyến khích họ gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất và an toàn”, TS. Nguyễn Tú Anh nhìn nhận.
>> Kỳ vọng hạ lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản ngay trong tháng 5
Đồng quan điểm đã nêu, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam - Florian Feyerabend cũng cho hay, lãi suất cao vẫn là một hạn chế lớn cho các hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế. Lãi suất cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Xoay quanh vấn đề này, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - TS. Cấn Văn Lực dự báo, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với những năm trước do thế giới biến động chính trị, những rủi ro thương mại và tài chính cũng như sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam còn dư địa để giảm lãi suất… và kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt.
Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải có chiến lược chuyển đổi tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang dựa trên vốn giá rẻ. Và chỉ khi nền kinh tế phát triển dựa trên vốn giá rẻ mới tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu (đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp, đầu tư mạo hiểm nhưng có thể tạo đột phá cho ngành sản xuất, kinh doanh…). Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo chiều rộng tức là mở rộng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp và mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 mới có cơ hội thành hiện thực.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - TS. Nguyễn Quốc Việt, Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng trong đó cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như cân bằng giữa mục tiêu “duy trì ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế/phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Các chính sách cần được vận dụng, phối hợp một cách nhịp nhàng và có sự điều phối thống nhất, thông suốt, dựa tối đa vào các giải pháp thị trường thay vì mệnh lệnh hành chính. Chính sách tài khóa vấn đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi…
Cùng với ý kiến đã nêu, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, các chuyên gia cũng cho rằng, các chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, hạ thấp lãi suất, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn,… đồng thời, cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục giảm lãi suất, gỡ khó dự án bất động sản
14:16, 09/05/2023
Kỳ vọng NHNN có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành
05:00, 27/04/2023
Giảm lãi suất - "Chìa khoá" giữ tăng trưởng
05:30, 07/04/2023
Kỳ vọng nhiều chính sách hỗ trợ mới sau đợt cắt giảm lãi suất điều hành
04:30, 30/03/2023
UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất tái cấp vốn
11:30, 28/03/2023