Chủ tịch VCCI lưu ý 10 vấn đề môi trường kinh doanh khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Bên cạnh nói về những ghi nhận, đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực cải cách của chính quyền các địa phương, Chủ tịch VCCI đồng thời đưa ra các vấn đề lưu ý cần cải thiện.
Tại Hội thảo khu vực miền Trung – Tây Nguyên chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh tổ chức tại Hội An, Quảng Nam ngày 19/7, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã cho biết, tương đồng với diễn biến điểm số PCI của cả nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong PCI 2017, PCI của các tỉnh trong khu vực miền Trung Tây Nguyên đều tăng về điểm số so với năm 2016, tuy nhiên có sự không đồng đều.
Doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực cải cách
Thống kê PCI 2017 có 9/17 tỉnh/thành trong khu vực tăng hạng thì 7/17 tỉnh/thành tụt hạng và 1/17 giữ nguyên thứ hạng.
Với khu vực duyên hải miền Trung, điểm số PCI tổng hợp năm 2017 là 63.09 điểm, cao nhất và tăng liên tục so với các năm 2016 (59.80 điểm), năm 2015 (59.34 điểm) và năm 2014 (59.27 điểm). Xếp hạng của khu vực này năm 2017 đứng thứ 3/6 vùng, sau ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng.
Trong khi đó, ở khu vực Tây Nguyên, điểm số PCI 2017 khu vực đạt 60,05 điểm tăng đáng kể so với năm 2016 (56.92 điểm) và cũng là điểm cao nhất đạt được từ năm 2014. Tuy nhiên, tương quan với các khu vực khác, Tây Nguyên vẫn xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng (6/6) xuyên suốt 3 năm PCI 2015-2016-2017.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, điểm sáng trong môi trường kinh doanh của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là “cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cải cách của chính quyền các địa phương”.
Cụ thể, doanh nghiệp đánh giá gia nhập thị trường của khu vực thuận lợi hơn (khu vực Duyên hải miền Trung chỉ số này bình quân đạt 8.01 điểm, xếp hạng 2/6 vùng).
Các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi hơn (Khu vực Tây Nguyên 6.53 điểm , xếp hạng 2/6 chỉ sau khu vực ĐBSCL)
Môi trường kinh doanh của cả hai khu vực Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên đều được đánh giá là minh bạch hơn. Lãnh đạo chính quyền được đánh giá năng động, sáng tạo hơn. Chất lượng đào tạo lao động có nhiều cải thiện.
Các vấn đề cần lưu ý cải thiện
Mặc dù cả khu vực đã có xu hướng cải thiện tích cực, theo ông Vũ Tiến Lộc, với nhiều vùng khác, các địa phương vẫn cần những lưu ý thêm về các vấn đề.
Thứ nhất, cần phải giảm thiểu những rào cản hậu đăng ký. Chẳng hạn qua điều tra, có 7% doanh nghiệp ở Tây Nguyên cho biết, họ phải chờ thêm trên 3 tháng để hoàn tất giấy tờ chính thức đi vào hoạt động, trong khi trung bình các khu vực khác chỉ 2-3%.
Thứ hai, cần tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp. Có 14% và 18% doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung cho biết, nội dung thanh kiểm tra bị trùng lắp hay thanh kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu. Khu vực Tây Nguyên còn cao hơn, lần lượt là 15% và 24% là mức cao nhất cả nước.
Thứ ba, đẩy mạnh cắt giảm gánh nặng về chi phí không chính thức. Theo đó, 62% doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung và 65% doanh nghiệp Tây Nguyên cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến, lần lượt xếp hạng 5/6 và 6/6 thấp nhất cả nước.
Thứ tư, doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh cần bình đẳng hơn (Điểm số cạnh tranh bình đẳng của khu vực duyên hải miền Trung là 4,66 điểm, giảm so với năm 2016), đứng cuối cả nước.
48% doanh nghiệp trong khu vực này cho biết tỉnh/thành phố ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn, cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước, 79% doanh nghiệp ở Tây Nguyên đồng ý với nhận định rằng nguồn lực kinh doanh chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp thân quen cán bộ, chính quyền.
Thứ năm, tỷ lệ bình quân số doanh nghiệp trên số người dân tại hai khu vực cũng khá thấp; số lượng doanh nghiệp nước ngoài rất khiêm tốn với duyên hải miền Trung chỉ chiếm có 6% tổng số doanh nghiệp FDI cả nước và Tây Nguyên chưa đến 0.5%.
Thứ sáu, phát triển thêm doanh nghiệp mới, thu hút thêm đầu tư nước ngoài là yêu cầu quan trọng của hai khu vực này. Điều này cần nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp. Để có được điều này cần có hạ tầng đầu tư tốt, lao động có chất lượng và đặc biệt là thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi, chuyên nghiệp, tin cậy.
Thứ bảy, một trong những phát hiện quan trọng từ PCI ở một số tỉnh thành phố nhiều năm qua là chất lượng điều hành có tương quan tỉ lệ nghịch với con số di cư thuần. “Ở đâu có chất lượng điều hành tốt doanh nghiệp hoạt động thuận lợi thì ở đó tỉ lệ người dân phải bỏ quê về thành phố hay các tỉnh khác tìm việc làm ít đi. Chính vì vậy, ưu tiên xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân cần là ưu tiên quan trọng nhất của các tỉnh thành phố”.
Có thể bạn quan tâm
Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn “trên nóng dưới lạnh”, “nóng lạnh không đều"
15:01, 05/07/2018
Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
11:00, 05/07/2018
Môi trường kinh doanh: Vẫn kiểu “một cửa mà nhiều ổ khóa”?
11:00, 22/06/2018
Cải cách môi trường kinh doanh: Thời gian và đột phá là yếu tố quyết định thành công
13:38, 19/06/2018
Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu
05:21, 04/05/2018
Môi trường kinh doanh đột phá: Niềm tin của DN được khơi dậy
04:19, 21/04/2018
Thứ tám, tăng cường liên kết giữa các tỉnh thành phố khu vực duyên hải miền Trung là một định hướng quan trọng, trước hết là tăng cường liên kết trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Người ta vẫn thường nói khu vực này rất khó liên kết và hợp tác, về địa lý là khu vực dài dằng dặc mỗi tỉnh miền Trung đều chỉ giáp với hai địa phương hai đầu, kết nối lỏng lẻo. Tính cách người miền Trung cũng rất thẳng thắn, cương trực. Thời gian qua, VCCI luôn phát huy vai trò thúc đẩy liên kết của mình, sự kiện ngày hôm nay là một dẫn chứng. “Chỉ liên kết, chia sẻ thì cái tốt, cái hay mới lan tỏa, mới kết nối được các giá trị”.
Thứ chín, từ những vụ việc như Formosa, chúng ta thấy khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên hết sức nhạy cảm với môi trường nên các dự án công nghiệp lớn phải hết sức thận trọng. Đặc biệt là kế hoạch một số dự án điện than trong khu vực cần đánh giá kỹ lưỡng và cẩn trọng các tác động với nguồn nước, khí hậu, môi trường và nông nghiệp.
Thứ mười, khu vực duyên hải miền Trung là vùng chịu tác động lớn từ thiên tai, biến đổi khí hậu chính vì vậy để yên tâm đầu tư, đối với các doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi Nhà nước đầu tư bài bản, sâu rộng hơn nữa về hạ tầng mà cần có các chương trình dẫn dắt về công nghệ, khả năng quản trị rủi ro, tăng cường kiến thức.
Trong 5 năm qua, VCCI cùng Quỹ Châu Á với sự tài trợ của USAID đã thực hiện thành công dự án: ”Phòng chống rủi ro thiên tai trong doanh nghiệp” tại Duyên hải miền Trung. “Chúng tôi tin rằng, nguy cơ thiên tai, rủi ro có ở nhiều nơi trên thế giới nhưng nếu có sự chủ động, sự tích cực chuẩn bị của nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan thì khu vực miền Trung Tây Nguyên này sẽ luôn chủ động giải quyết được. Cùng với PCI, đây là bài học thành công trong sự hợp tác giữa VCCI và USAID tại Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định.