Áp lực sửa đổi quy định về lao động ngành dệt may trong CPTPP
Doanh nghiệp phải tăng cường tuân thủ các quy định pháp luật lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI nhận định, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác.
Áp lực cam kết quốc tế
CPTPP được xem là cơ hội để mở ra các thị trường lớn mới như Canada, Úc, New Zealand, Peru, Chile. CPTPP được coi là Hiệp định thương mại thế hệ mới với những điều khoản cam kết về tiêu chuẩn lao động quốc tế theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
“Một điểm khác biệt nữa của CPTPP so với các hiệp định khác là dệt may có chương riêng, đứng riêng, độc lập, cho thấy tầm quan trọng của ngành hàng dệt may trong hiệp định này”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trên thực tế, dù được xem là có bước tăng trưởng nhanh trong những năm qua, tuy nhiên, một điểm bất lợi của ngành dệt may hiện nay là mặc dù thâm dụng lao động nhưng giá trị gia tăng của ngành thấp, chủ yếu gia công...
“Để hội nhập mạnh mẽ và hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may, da giày cần phải nâng cao năng suất thông qua cải thiện tổ chức sản xuất, phương thức quản lý, và đặc biệt là việc tăng cường tuân thủ các quy định pháp luật lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP”, ông Vinh khẳng định.
Như vậy, Hiệp định CPTPP đã “ưu ái” mà dành riêng một Chương cho ngành dệt may song liệu các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt cơ hội không vẫn còn là một câu hỏi khó. Bởi bên cạnh các điều kiện về xuất xứ nguyên liệu đầu vào, môi trường, sở hữu trí tuệ…doanh nghiệp ngành dệt may đặc biệt phải đáp ứng quy tắc về lao động trong CPTPP.
Cụ thể, tuy không đưa ra tiêu chuẩn riêng nhưng CPTPP cũng đưa ra yêu cầu về lao động là phải áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO.
Trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình. Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định. Cụ thể, thể hiện trong 8 công ước cơ bản, bao gồm các nội dung về: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp dệt may "gặp khó" vì quy tắc lao động trong CPTPP
07:10, 05/06/2019
Việt Nam gia nhập Công ước 98: Hài hòa hệ sinh thái quan hệ lao động
10:04, 01/06/2019
“Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”
16:16, 31/05/2019
Công ước số 98: Thúc đẩy hệ sinh thái cho quan hệ lao động hài hòa
06:34, 30/05/2019
Lao động nữ bao giờ bình đẳng với nam giới?
06:00, 30/05/2019
Cùng với đó, Việt Nam hiện đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Bên cạnh đó, đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam cũng cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức.
Điều chỉnh Luật lao động trong nước
Bởi vậy, vẫn còn một số tồn tại mà doanh nghiệp dệt may cần lưu ý, ông Đào Quang Vinh, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, quy định tại CPTPP cấm sử dụng lao động trẻ em, lao động bị cưỡng bức. "Có nhiều trường hợp doanh nghiệp có thể không sử dụng lao động thuộc đối tượng như trên nhưng các đối tác gia công có sử dụng thì lao động cũng bị liên đới, doanh nghiệp phải chú ý", ông Vinh lưu ý.
Về phân biệt đối xử về việc làm cũng phải cân đối giữa các lao động nam – nữ, lao động mang thai.
Về thương lượng tập thể, khảo sát của chúng tôi thì tỉ lệ các thương lượng tập thể mang tính hình thức, đưa ra thoả thuận không thực chất điều này do năng lực tham gia đối thoại cuả tổ chức công đoàn cũng như cách tổ chức và mức độ quan tâm của cả hai bên.
Về đảm bảo lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, việc đóng BHXH đang còn nhiều tồn tại nếu chiếu theo quy định. "Ví dụ đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chứ chưa phải mức lương thực tế. Vấn đề an toàn lao động cũng là tồn tại", ông Vinh dẫn chứng.
Do đó, Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung đáp ứng các yêu cầu của CPTPP. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng – Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này đã có nhiều sửa đổi theo hướng bỏ áp đặt về lao động mang tính hành chính.
“Khi cân nhắc các quy định tại công ước thì không yêu cầu phải có tiền lương tối thiểu cũng như các nguyên tắc do chính phủ quy định, mà phải đẩy mạnh theo hướng linh hoạt và tự chủ hơn trong trả lương. Mặt khác, sửa đổi Luật Lao động linh hoạt hơn trong việc thoả thuận làm thêm giờ. Bình đẳng đối xử trong lao động cũng là nội dung được bổ sung”, ông Bình nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: "Không phân biệt đối xử theo tình trạng hôn nhân (chăm sóc con nhỏ, bố mẹ già yếu), cấm phân biệt đối xử lao động theo tuổi tác; Đồng thời đưa ra quy định về chống quấy rối tình dục;Thay đổi theo hướng bảo vệ lao động nữ sang bình đẳng giới, tránh nguy cơ phân biệt đối xử với lao động nữ; Hướng bảo vệ chỉ còn áp dụng với lao động thai sản - đây sẽ là những thay đổi có tính hệ thống".