Doanh nghiệp dệt may "gánh" tác động kép khi thực thi cam kết về lao động trong CPTPP

Thy Hằng 05/06/2019 11:39

Các cam kết về lao động của CPTPP đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam khi những điểm nghẽn về nguyên liệu, năng lực sản xuất của ngành chưa được khắc phục.

Trao đổi với DĐDN, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp May Việt Nam cho biết, các cam kết về lao động trong CPTPP là thách thức với các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Thống kê của VCCI cho thấy có tới 57% doanh nghiệp ít hiểu biết về CPTPP

Thống kê của VCCI cho thấy có tới 57% doanh nghiệp ít hiểu biết về CPTPP.

Khó kiểm soát quy định lao động của đối tác

“Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng lượng lớn các đơn vị gia công. Doanh nghiệp lại rất khó để kiểm soát các vấn đề về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức của các đơn vị gia công này, do đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc vi phạm cam kết lao động bất cứ lúc nào”, ông Cẩm chia sẻ.

Nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp lớn không gặp khó. Với thực tế nguyên liệu của ngành dệt may hiện vẫn nhập khẩu nguyên liệu, trong đó, nhập khẩu gần 90% vải các loại  từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... hay 80% sợi để sản xuất là nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ... thì việc kiểm soát thực thi các quy định về lao động của các đối tác cung cấp nguyên liệu này cũng là áp lực của các doanh nghiệp ngành dệt may.

Trong khi đó, tuy không đưa ra tiêu chuẩn riêng nhưng CPTPP đã đưa ra yêu cầu về lao động là phải áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO. Bao gồm các nội dung về: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp…

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực sửa đổi quy định về lao động ngành dệt may trong CPTPP

    Áp lực sửa đổi quy định về lao động ngành dệt may trong CPTPP

    10:00, 05/06/2019

  • Doanh nghiệp dệt may

    Doanh nghiệp dệt may "gặp khó" vì quy tắc lao động trong CPTPP

    07:10, 05/06/2019

  • Việt Nam gia nhập Công ước 98: Hài hòa hệ sinh thái quan hệ lao động

    Việt Nam gia nhập Công ước 98: Hài hòa hệ sinh thái quan hệ lao động

    10:04, 01/06/2019

  • “Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”

    “Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”

    16:16, 31/05/2019

  • Công ước số 98: Thúc đẩy hệ sinh thái cho quan hệ lao động hài hòa

    Công ước số 98: Thúc đẩy hệ sinh thái cho quan hệ lao động hài hòa

    06:34, 30/05/2019

Thách thức thực thi

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các quy định pháp luật Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh, Công 98 cũng đang được xem xét phê chuẩn, tuy nhiên vấn đề doanh nghiệp băn khoăn là câu chuyện thực thi, duy trì các quy định về lao động trong sản xuất.

“Thực tế các tiêu chuẩn này không mới nhưng các nước thành viên CPTPP phải cam kết thực hiện và duy trì trong thực tế. Pháp luật Việt Nam hiện cũng đã có hệ thống pháp luật nhưng thách thức lớn nhất là thực thi trong thực tiễn, làm sao để đưa các quy định trong tuyên bố 1998 vào sản xuất thực tiễn của doanh nghiệp”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Theo đó, với doanh nghiệp dệt may, nội dung đầu tiên của tiêu chuẩn lao động là tự do liên kết. Đồng thời phải đảm bảo thực hiện được một nội dung mới hoàn toàn là thành lập tổ chức lao động.

“Trong một doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn hơn tổ chức đại diện người lao động, vậy đàm phán sẽ phức tạp hơn, phải từng bước triển khai thực hiện”, ông Cẩm nhận định đây vừa là thách thức cũng là cú hích cho doanh nghiệp ngành dệt may. 

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Thu Vượng, Giám đốc hành chính Công ty TNHH may Tinh Lợi cũng cho rằng các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp để tuyên truyền cho chính bản thân người lao động. Bởi thực tế các am hiểu của người lao động là chưa lớn.

“Bản thân doanh nghiệp chúng tôi đã có nhiều phương thức tuyên truyền cho người lao động nhưng sau đó khi xảy ra chuyện chúng tôi nhận ra bản thân lao động cũng không nắm được các quyền, nghĩa vụ của mình như mang bảo hộ lao động…”, bà Vượng chia sẻ.

Như vậy, thực thi các cam kết của CPTPP là câu chuyện của nhiều bên, trước hết là cơ quan Nhà nước trong điều chỉnh, sửa đổi Luật, các địa phương và cơ quan liên quan trong tuyền truyền và hướng dẫn thực thi cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, đồng thời là bản thân của người lao động trong việc đưa các cam kết này vào thực thi, duy trì các cam kết đó.

Thy Hằng