30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào Đồng bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ
Đây là kết quả được VCCI đưa ra tại Hội thảo chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh Khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ do VCCI và UBND tỉnh Hưng Yên vừa phối hợp tổ chức.
Với 2 chủ đề chính là phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh mới và chia sẻ thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các chuyên gia kinh tế đã phân tích nhiều thực tiễn về kinh tế khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp 18 tỉnh, thành trong khu vực và các chuyên gia của VCCI, các Viện nghiên cứu quản lý kinh tế, phát triển kinh tế TƯ và địa phương.
Minh bạch hơn môi trường kinh doanh
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, điều tra năm 2018 cho thấy, khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ là nơi có mức độ phát triển doanh nghiệp tương đối khá tốt, có tới 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đầu tư. Điểm số trung bình của 10 lĩnh vực điều hành trong PCI 2018 cho thấy, khu vực đồng bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ là nơi được các doanh nghiệp đánh giá tương đối tốt ở khía cạnh tính minh bạch của môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong đăng ký doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Tuy nhiên ở các lĩnh vực khác lại không được các doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2018, điểm số PCI trung bình của khu vực Đồng bằng Sông Hồng đạt 63,32 điểm, Đông Bắc Bộ đạt 60,61 điểm.
Theo đó, vẫn cần tới những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Phải tăng cường công khai minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế chia sẻ thực tiễn của các tỉnh, TP về nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Chính quyền điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả; Cải cách hoạt động đăng ký doanh nghiệp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng thảo luận về khả năng áp dụng các mô hình kinh nghiệm tốt vào địa phương và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh trong khu vực về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và liên kết vùng.
Bà Vũ Thị Kim Chi – Phó ban xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, luôn theo sát bước chân nhà đầu tư, doanh nghiệp, chăm sóc tận tình, trách nhiệm theo một chu trình khép kín; đồng hành sát cánh cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh là một trong các giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai và được cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá có nhiều nét mới và thiết thực.
Để thực hiện hóa mục tiêu, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp, sáng kiến mới với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở, tập trung ưu tiên, cải thiện toàn diện các “yếu tố mềm” và triển khai theo cách thức “từ trên xuống” (top-down); nêu gương vai trò người đứng đầu; tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, đảm bảo luôn công khai, tăng cường minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo một chu trình khép kín, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ,....
Hà Nội đi đầu phát triển doanh nghiệp
Theo thống kê, đến hết tháng 5/2019, Hà Nội có trên 265.000 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ trọng DNNVV chiếm 97%, đóng góp 40% GDP.
Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP.Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội tăng trung bình khoảng từ 10% - 15%/năm. Bình quân cứ 30 người dân Thủ đô có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 5 lần mức bình quân chung cả nước (bình quân chung cả nước khoảng hơn 160 người dân/1 DN).
Để thực hiện được mục tiêu có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ cộng đồng DNNVV phát triển. Cụ thể, TP đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực như đăng ký DN, giấy phép kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai, xây dựng... Đồng thời tiếp tục hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng thông qua triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; đẩy mạnh giới thiệu nguồn vốn cho vay, khai thác thị trường, chủ động tiếp cận với chủ đầu tư để tìm hiểu nhu cầu, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ vay vốn...
Hàng năm, TP Hà Nội quan tâm bố trí kinh phí triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV. Khoảng 15.000 doanh nghiệp được tham gia đào tạo hàng năm. Riêng năm 2019, thành phố bố trí khoảng 21 tỷ đồng để thực hiện 5 chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn...
Theo nhiều đại biểu, để nâng cao tính minh bạch, các cơ quan cần công khai thông tin về thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử. Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực trạng cho thấy, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở việc công khai những thông tin theo quy định của pháp luật. Nhiều Website không đăng tải đầy đủ các quy hoạch của địa phương. Những đơn vị liên quan nhiều tới doanh nghiệp như Sở KHĐT; Sở GTVT; Sở Công Thương; Sở TNMT chưa có những thông tin hướng dẫn chi tiết và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
VCCI Nghệ An tập huấn về hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp
16:40, 18/06/2019
VCCI Thanh Hóa: Bồi dưỡng doanh nghiệp, doanh nhân về "Kỹ năng thuyết phục"
19:19, 17/06/2019
VCCI: Xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập
05:00, 17/06/2019
Thuế, Hải quan vẫn là… điểm nóng
Theo nhiều đại biểu, doanh nghiệp còn nhiều bức xúc về hành lang pháp lý thuế và hải quan. Hiện nay, ở các tỉnh, thành phố, cơ quan Thuế và Hải quan đều đã tổ chức hoạt động đối thoại với doanh nghiệp. Một số địa phương năng động đã tiên phong tổ chức đối thoại theo hình thức chia nhóm doanh nghiệp để cụ thể hơn vấn đề đối thoại và đề ra những giải pháp cụ thể, sát thực với nhu cầu của doanh nghiệp.
Khảo sát chung chỉ ra, các doanh nghiệp nhận thấy: Nếu có Chủ tịch, Bí thư thì vấn đề được giải quyết tốt hơn; Nếu đầu mối tổ chức là Hiệp hội doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cảm thấy thoải mái và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, cần nâng cao vai trò và năng lực của Hiệp hội doanh nghiệp trong hình thành cầu nối, đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Khảo sát chung cũng chỉ ra, tại những địa phương có hoạt động đối thoại được đánh giá là hiệu quả như Tuyên Quang, Long An... thì Hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc nắm bắt và truyền tải thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Cũng chia sẻ tại hội thảo, TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cải thiện về hỗ trợ doanh nghiệp như: Liên thông cấp ĐKKD -Tài khoản ngân hàng - Con dấu, giảm thời gian giải quyết từ hơn 10 ngày xuống còn 3 ngày, từ 2 đầu mối xuống còn 1 đầu mối. Liên thông cấp đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã và mã số thuế, giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày, từ 2 đầu mối còn 1 đầu mối. Doanh nghiệp không phải nộp các giấy tờ đã được nhà nước cấp khi thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn thông qua thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp (tích hợp các giấy tờ đã cấp cho doanh nghiệp)…