Doanh nghiệp xuất khẩu Việt phải làm gì khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính?
Hàng nông, thủy sản của Việt Nam muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường này.
Tại Hội thảo “Giới thiệu về thị trường Trung Quốc (TQ): Kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh” do VCCI Cần Thơ tổ chức, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, TQ là thị trường nhập khẩu lớn về nông, thủy sản của thế giới với quy mô khoảng 160 tỷ USD/năm. Trong đó, rau quả khoảng 9-10 tỷ USD; thủy sản 8-10 tỷ USD; thịt và sữa đạt 9-10 tỷ USD và gạo là 2-2,5 tỷ USD...
Theo ông Công, dư địa để Việt Nam khai thác thị trường TQ còn rất lớn. Bởi, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào quốc gia này chỉ đạt trên 8,6 USD và 9 tháng đầu năm nay là hơn 6 tỷ USD. Nếu so với quy mô 160 USD mà TQ nhập khẩu mỗi năm, thì con số của Việt Nam xuất sang thị trường này là quá nhỏ. Việt Nam và TQ đang triển khai ACFTA. TQ đã loại bỏ thuế nhập khẩu trên 95% dòng thuế của Danh mục chung trước ngày 01/01/2012; Trong số 5% số dòng thuế còn lại đã được cắt giảm về 5%-50% từ cuối năm 2018.
Tuy nhiên, đi đôi với tiềm năng lớn thì các điều kiện về nhập khẩu của thị trường này càng ngày càng cao hơn. Nông, thủy sản và thực phẩm muốn xâm nhập vào thị trường này thì phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm 2015 và Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu của TQ và các văn bản hướng dẫn thực hiện 2 Luật. Điều kiện chung: Doanh nghiệp xuất khẩu phải có đủ điều kiện nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, phòng kiểm nghiệm các chỉ chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng, kho tàng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (hồ sơ kỹ thuật, nhật ký sản xuất...). Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục BVTV, Thú y, NAFIQAD) kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo qui đinh của Viêt Nam và của TQ thì mới được phép cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu sang TQ và mã số vùng trồng/nuôi. Cơ quan có thẩm quyền của TQ có thể tiến hành thanh kiểm tra khi cần thiết.
“TQ không còn là thị trường dễ tính, do đó để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào quốc gia này, các doanh nghiệp cần cập nhật các quy định mới ở thị trường này và phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường đề ra”, ông Công khuyến cáo.
Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ - Huỳnh Thiên Trang cho biết, TQ không chỉ là đối tác thương mại lớn mà còn xếp thứ 7 trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. “Hiện, TQ có 2.149 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 13,3 tỉ USD, trong đó, riêng năm 2018, quốc gia này có 389 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 2,4 tỷ USD".
Theo bà Trang, các dự án TQ đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như: chế biến, chế tạo công nghiệp, khai khoáng. Ngoài ra, quốc gia này cũng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ nông lâm, ngư nghiệp và chế biến thủy sản…
Có thể bạn quan tâm
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bền vững khi tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau
20:45, 26/09/2019
Nâng cao hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
16:35, 26/09/2019
Thắt chặt quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
04:06, 25/05/2019
Hội chợ CAEXPO: Tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc
16:31, 21/03/2019
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán TQ tại Việt Nam cho biết: Về đầu tư trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp TQ tại Việt Nam đã vượt 500 dự án với số vốn đăng ký trên 3 tỷ USD, so với 2,4 tỷ USD trong năm 2018.
Về quan hệ thương mại giữa hai nước, ông Cẩm dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan TQ cho biết, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã vượt 110 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ nhưng còn rất bé so với tiềm năng.
Theo ông Cẩm, với dân số 1,4 tỷ người, TQ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới; là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. “Bình quân, mỗi năm một người TQ tiêu thụ 30 kg sữa; 40 kg thịt heo; 50 kg hoa quả và dự báo sẽ tăng lên 70 kg, đây là những mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế".
Ông Từ Phong Bồi, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Quảng Đông (TQ) cho biết: Với yêu cầu hàng hóa nhập khẩu ngày càng nâng cao chất lượng và đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, các nhà nhập khẩu TQ ngày càng khắt khe hơn trong kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu.
“Để khắc phục tình trạng tiêu chuẩn khác nhau của hai quốc gia gây trở ngại cho xuất nhập khẩu thì bộ phận kiểm dịch hai nước cần phải phối hợp lẫn nhau trong ban hành bộ tiêu chuẩn chung về chất lượng hàng hóa, truy suất nguồn gốc, thương hiệu logo in ấn trên sản phẩm”, ông Bồi đề nghị.