"Gỡ" thủ tục hành chính trong thương mại điện tử

NGỌC LAM 30/07/2020 05:53

Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng ưu thế của thương mại điện tử, đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng

Trả lời Công văn số 4003/BCT-TMĐT ngày 04/06/2020 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến ban đầu như sau:

VCCI đánh giá cao chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đề xuất của cơ quan soạn thảo, ví dụ thu hẹp đối tượng phải thực hiện thủ tục thông báo website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng ưu thế của thương mại điện tử trong kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Cụ thể:

Thủ tục thông báo với website thương mại điện tử bán hàng

Điều 25.1 của Nghị định 52 định nghĩa website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Như vậy, về bản chất, đây chỉ là một kênh bán hàng mới (trên internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới. Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá). Việc thương nhân khi triển khai thêm một kênh bán hàng trên internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình chung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết.

Hơn nữa, theo khảo sát được thực hiện bởi Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, đa phần các thông tin phản ánh của người dân qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử chủ yếu liên quan đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục hành chính (thủ tục đăng ký, thông báo hoạt động), chiếm từ 78% trở lên số phản ánh. Cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc các doanh  nghiệp không đăng ký website thương mại điện tử của mình. Như vậy, có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản với thương nhân khi tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm.

Thủ tục cấp phép với sàn thương mại điện tử nhỏ

Điều 36.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định tất cả các sàn thương mại điện tử, bất kể quy mô, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động. Phương thức quản lý các sàn thương mại điện tử lớn, nhỏ như nhau là chưa hợp lý do việc này khiến các sàn thương mại điện tử nhỏ hoặc mới phát hành thử nghiệm (startup) bị quản lý quá chặt. Thực tế, mặc dù đến hết năm 2018, cả nước có 910 sàn thương mại điện tử được cấp phép, nhưng 20 sàn thương mại điện tử lớn nhất đã chiếm đến 86% tổng doanh thu[3], còn lại đa phần là các sàn nhỏ.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục đối với các sàn thương mại điện tử nhỏ. Theo đó, các sàn thương mại điện tử nhỏ chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc:

    Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: "Thể chế, thể chế và thể chế"

    09:54, 23/07/2020

  • VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước

    VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước

    05:07, 20/07/2020

  • VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy

    VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy

    04:20, 09/07/2020

  • VCCI

    VCCI "tăng tốc" hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực Nam Trung bộ

    19:00, 25/06/2020

NGỌC LAM