Vụ giải quyết tranh chấp đầu tiên của Việt Nam tại WTO (kỳ 2)

Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại - VCCI 12/01/2021 11:17

Vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh (DS 404) là vụ kiện đầu tiên mà Việt Nam khởi xướng (với tư cách người đi kiện – nguyên đơn) trong khuôn khổ WTO.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vụ kiện được xem là thành công lớn ở cả hai khía cạnh: 

Lựa chọn trúng và đúng vấn đề (những vấn đề có khả năng thắng cao, đồng thời là những biện pháp, phương pháp, thông lệ mà Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các cuộc điều tra đã hoặc sẽ xảy ra trong tương lai) và;

Chuẩn bị các lập luận xác đáng, thuyết phục để đạt được kết quả tốt nhất có thể (trên thực tế Việt Nam thắng ở 3 trên 4 vấn đề khiếu kiện).

Với thành công này, vụ việc có ý nghĩa quan trọng trong việc:

Đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không áp dụng các biện pháp bất lợi liên quan  đối với hàng hóa Việt Nam; vấn đề kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam vì vậy có thể sẽ bớt khắc nghiệt hơn; mức độ thiệt hại từ các vụ kiện được hy vọng sẽ giảm đáng kể. Cũng thông qua vụ việc này, Việt Nam đã gửi thông điệp ra thế giới rằng Việt Nam sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá tại bất kỳ nước nào;

Là một kinh nghiệm thực tế nhiều khích lệ cho Việt Nam trong việc tự tin, chủ động sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong thương mại quốc tế theo các quy định của WTO mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các bên tranh chấp.

Về vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp

Trong vụ việc đầu tiên, mọi công việc từ ý tưởng khởi kiện đến quyết định tham vấn, từ lựa chọn luật sư đến chuẩn bị chứng cứ, từ tham gia các thủ tục tố tụng đến theo dõi thực thi… đối với Việt Nam đều là “lần đầu tiên”. Những cái được và chưa được trong vụ việc của những “lần đầu tiên” này là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, hiệp hội nói riêng trong việc sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp trong WTO để bảo vệ lợi ích của mình.

Đặc biệt, điểm đáng ghi nhận nhất trong vụ việc này là vai trò chủ động, tích cực của các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc phát hiện vấn đề cũng như tham gia vào quá trình chuẩn bị cho vụ việc. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)đã tiến hành:

Chủ động nghiên cứu nghiêm túc vấn đề từ góc độ của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đưa đề xuất với Chính phủ về việc Việt Nam cần khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO;

Trong khi các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn đang lúng túng bởi chưa có tiêu chí hay cơ chế nội bộ nào cho việc quyết định có khởi kiện hay không, đã có những lập luận thuyết phục và chặt chẽ với các cơ quan liên quan cũng như những hình thức tuyên truyền thích hợp nhằm tạo sự ủng hộ của công chúng, góp phần vào quá trình ra quyết định khởi kiện của Chính phủ;

Tham gia tích cực và hiệu quả vào việc lựa chọn luật sư tư vấn cho vụ việc và với việc giới thiệu luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm và có kết nối từ vụ việc gốc ở Hoa Kỳ và tranh chấp trong WTO, có thể nói hai Hiệp hội đã cùng góp phần vào thành công trong kết quả của vụ việc.

Sản phẩm tôm xuất khẩu đã có mặt tại 15 quốc gia thuộc châu Âu và châu Á.

Sản phẩm tôm xuất khẩu đã có mặt tại 15 quốc gia thuộc châu Âu và châu Á.

Mặc dù các Hiệp hội liên quan đã có đóng góp rất tích cực và phối hợp tốt với các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn đầu, vẫn còn những vấn đề tồn tại trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp này, chủ yếu trong giai đoạn sau đó. Cụ thể:

Sau khi vụ việc được bắt đầu, các Hiệp hội không được thông tin về diễn tiến cũng như những nội dung liên quan của vụ việc cũng như không có cơ hội phối hợp, sát cánh cùng các cơ quan Nhà nước liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc;

Các Hiệp hội cũng không được tham gia hay tiếp cận các báo cáo về vụ việc của phía Việt Nam và những kinh nghiệm từ vụ việc tranh chấp đầu tiên trong WTO này.

Vụ tranh chấp đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ WTO chỉ là một trong số hơn 400 vụ tranh chấp giữa các nước thành viên mà WTO đã chứng kiến từ ngày thành lập năm 1995 đến nay, vì thế nó có thể không đặc biệt lắm với thế giới. Nhưng rõ ràng với Việt Nam đây lại là bước ngoặt có ý nghĩa, với nhiều bài học lớn cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ giải quyết tranh chấp đầu tiên của Việt Nam tại WTO (kỳ 1)

    Vụ giải quyết tranh chấp đầu tiên của Việt Nam tại WTO (kỳ 1)

    11:01, 11/01/2021

Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại - VCCI