NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài IV): Các lợi thế chưa khai phá
Tài nguyên tự nhiên, vị trí địa lý, quy mô của địa phương là những yếu tố có sẵn của địa phương, góp phần quyết định năng suất và tốc độ tăng trưởng năng suất của ĐBSCL.
Nằm ở vị trí tận cùng phía Nam của đất nước, ĐBSCL là vùng đất châu thổ có tuổi địa chất rất non trẻ, hình thành từ khoảng 7.000 – 9.000 năm trong quá khứ do sự bồi tụ liên tục của dòng chảy cùng nguồn phù sa sông Mekong và quá trình biển lùi trong quá khứ từ hơn 4.000 - 5.000 năm trước. Quá trình bồi đắp âm thầm nhưng liên tục này đã kiến tạo nên một ĐBSCL màu mỡ với tổng diện tích tự nhiên là 40.572 km², chiếm 12,3% diện tích đất liền của cả nước.
ĐBSCL có vùng biển đặc quyền kinh tế với diện tích xấp xỉ 360.000 km2, gấp 9 lần diện tích đất liền. Với diện tích đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, hệ thống sông rạch dày đặc, với hai mặt giáp biển và bờ biển dài hơn 732 km, ĐBSCL được trời phú cho lợi thế sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản từ các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nhờ có thiên nhiên hiền hòa, ưu đãi nên việc canh tác nông nghiệp tương đối an nhàn, không đòi hỏi người nông dân phải phát minh, cải tiến, hay ứng dụng kỹ thuật phức tạp.
Tập quán canh tác chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có và tư duy nâng cao năng suất thông qua tận khai nguồn lợi tự nhiên đang dẫn đến mất cân bằng sinh thái như một biểu hiện của lời nguyền tài nguyên tại vùng ĐBSCL. Thực tế là những lợi thế trời phú của Vùng đang từng bước bị xói mòn bởi những nhân tố tác động từ bên ngoài cũng như từ chính sách và thói quen sản xuất nông nghiệp và thủy sản bên trong. Phong trào thâm canh lúa ba vụ kéo dài khiến cho chất lượng đất nông nghiệp ngày một suy giảm, vùng đất nằm trong đê bao do không nhận được phù sa trở nên bạc màu, dẫn đến việc phân hóa học và thuốc trừ sâu bị lạm dụng tối đa.
Hiện nay, tài nguyên nước ở ĐBSCL phải tiếp tục đối diện với năm thử thách thường xuyên, trong đó có hai vấn đề về số lượng nước (ngập lụt và hạn hán) và ba vấn đề về chất lượng nước (suy giảm phù sa, nhiễm mặn và ô nhiễm nước). Tình trạng khó khăn này đang có xu thế gia tăng do tác động đồng thời của nhiều nhân tố: hiện tượng biến đổi khí hậu – nước biển dâng và vấn đề nước xuyên biên giới như các dự án phát triển và vận hành hồ chứa - thủy điện ở thượng nguồn, gia tăng tình trạng phá rừng, thay đổi sử dụng đất, đô thị hoá, thu hẹp các khu đất ngập nước tự nhiên, nguy cơ chuyển nước - khai thác nước trong mùa khô và ô nhiễm nguồn nước từ gia tăng hoạt động công nghiệp và nông nghiệp dọc theo hai bên bờ sông.
Nhìn về tương lai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới sẽ tiếp tục là những thử thách rất lớn uy hiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nền nông nghiệp vùng ĐBSCL. Chính phủ đã nhận thức được rằng các nguy cơ này không chỉ là nguy cơ cục bộ của ĐBSCL mà là nguy cơ của toàn vùng Nam Bộ và rộng hơn là của cả quốc gia để từ đó có những chiến lược và đối sách kịp thời và đúng mức.
Đối với sản xuất lúa, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Các biện pháp công trình như ngăn mặn, giữ ngọt, khai thác nước ngầm, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cần được thực hiện theo nguyên tắc “không hối tiếc”. Các quy hoạch và kế hoạch phát triển của từng địa phương và toàn vùng cần theo tinh thần “thuận tiện” và “hợp lòng dân” của Nghị quyết 120. Điều quan trọng nhất nhưng thường bị xem nhẹ trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng ở ĐBSCL là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này.
Quy mô kinh tế của vùng ĐBSCL cũng là một yếu tố sẵn có quan trọng, quyết định mức độ hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh – đầu tư tìm kiếm thị trường tại chỗ. Về phương diện này, ĐBSCL đang gặp phải bất lợi tương đối, đặc biệt khi so với vùng Đông Nam Bộ khi cả quy mô dân số, mức chi tiêu của người dân, và sự tập trung dân cư của ĐBSCL đều đang tụt lại phía sau ngày một xa. Đơn cử về quy mô thị trường, với thu nhập của dân cư ĐBSCL chỉ bằng khoảng 60% của Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô thị trường tiêu dùng của cả vùng ĐBSCL chỉ tương đương 86% của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh này, nếu không nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL, đồng thời phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ và thay đổi các tập quán sản xuất nông nghiệp – thủy sản thiếu bền vững thì sự tụt hậu về kinh tế của ĐBSCL là không thể tránh khỏi.
Có thể bạn quan tâm