NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài I): Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế 2009 - 2019

Nhóm chuyên gia Kinh tế - Chính sách (VCCI-FSPPM) 10/02/2021 05:30

Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam.

LTS: Báo cáo được thực hiện dưới sự chủ trì, điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam. Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.

Báo cáo là kết quả của sự nỗ lực hợp tác giữa VCCI và FSPPM liên tục sau hơn một năm thực hiện, được hoàn thành dưới sự chỉ đạo chung của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì biên soạn và định hướng nội dung là ThS. Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ và TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (2017-2020). Các dữ liệu kinh tế được thu thập, tổng hợp bởi Phòng Tư vấn và Thông tin Kinh tế của VCCI tại Cần Thơ và do các tác giả dà y công biên soạn. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng chủ đề, nội dung, định hình phương pháp nghiên cứu và trình bày kết quả báo cáo nghiên cứu. Tham gia ban biên soạn gồm: Lê Duy Bình, Vũ Sỹ Cường, Huỳnh Thế Du, Trần Hương Giang, Hồ Thị Thu Hòa, Lương Minh Huân, Phan Đình Huê, Lê Việt Phú, Nguyễn Phú Son, Ngô Viết Nam Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Xuân Thành, Từ Minh Thiện là những chuyên gia thực hiện các nội dung.

Báo cáo cũng nhận được các phản biện của các chuyên gia uy tín và doanh nghiệp.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt báo cáo thường niên, ấn phẩm có giá trị quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức lớn tác động đến kinh tế của vùng, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thích ứng, cùng thúc đẩy vùng đồng bằng này phát triển ổn định và bền vững.

– ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính bao gồm: 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính bao gồm: 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

Đóng góp GDP của ĐBSCL giảm mạnh trong ba thập kỷ

Sau hơn ba thập kỷ kể từ Đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Bằng chứng là tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tỷ trọng GDP của ĐBSCL so với TP HCM và cả nước (Nguồn: Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long)

Vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với Thành phố Hồ Chí Minh thì vào năm 1990, GDP của thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay. Điều này còn ngụ ý rằng, mặc dù có lợi thế nằm ngay sát Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song dường như ĐBSCL không được hưởng lợi đáng kể từ sự kết nối này, không những thế còn ngày một tụt hậu.

Một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Sự chênh lệch về mức sống và thiếu cơ hội kinh tế là hai nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tình trạng di cư của người dân đồng bằng về Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là gần như bằng 0 trong giai đoạn 2009 – 2019.

Tốc độ chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ

Thập niên 2010 – 2019 chứng kiến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ ở ĐBSCL. Tỷ trọng khu vực I đã giảm từ 39,6% trong năm 2010 xuống chỉ còn 28,3% trong năm 2019, nhanh hơn hẳn tốc độ dịch chuyển cơ cấu trong hai thập niên trước đó. Tương tự như vậy, cơ cấu công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ cũng đang thay đổi mạnh mẽ, hội tụ ngày càng gần hơn so với cơ cấu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, dư địa chuyển đổi cơ cấu không phải là vô hạn. Với đặc điểm tự nhiên vốn có, không thể và không nên yêu cầu ĐBSCL có cơ cấu kinh tế tương tự như cả nước.

Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ của ĐBSCL cũng được phản ảnh qua số liệu về cơ cấu lao động của Vùng. Cho đến năm 2010, 62,2% lao động ở vùng ĐBSCL vẫn nằm trong lĩnh vực nông nghiệp (so với 48,7% của cả nước). Thế nhưng đến năm 2019, nhờ tốc độ chuyển đổi cơ cấu lao động mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tỷ lệ này chỉ còn 43,3%. Tất nhiên, như đã lưu ý, sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực còn lại không phải là vô hạn, vì vậy cũng không nên kỳ vọng tốc độ chuyển đổi lao động của thập niên vừa qua sẽ được tăng tốc trong thập niên tiếp theo.

Một thành tích nổi bật của ĐBSCL trong hai thập niên trở lại đây là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ở ĐBSCL đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, và tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2019. Không những thế, tỷ lệ nghèo của ĐBSCL luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Kết quả giảm nghèo chứng tỏ lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi, và người nghèo cũng đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.

Tuy nhiên, đa số thành tích giảm nghèo của ĐBSCL (cũng như của cả nước nói chung) được thực hiện trong 6 năm từ 1998 đến 2004. Điều này, một mặt gợi ý rằng phần dễ dàng trong giảm nghèo đã gần hết, và vì vậy kết quả giảm nghèo sẽ càng ngày càng khiêm tốn hơn so với trước; mặt khác cho thấy từ nay trở đi kết quả giảm nghèo sẽ mong manh hơn và có thể bị đổi chiều dưới tác động của những rủi ro kinh tế, môi trường, và dịch bệnh trong và ngoài nước.

Đối với ĐBSCL cũng như cả nước, thành tích giảm nghèo chỉ có thể được duy trì một cách bền vững nếu như nhịp độ tăng trưởng kinh tế được giữ ở mức cao và ổn định. Điều này, đến lượt mình, phụ thuộc vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, công nghệ (đặc biệt là thông tin và sinh học),… để tăng năng suất và giá trị gia tăng trong các công việc hiện có, tăng khả năng tiếp cận cơ hội việc làm mới tốt hơn, nhờ đó tăng năng suất lao động, tạo thu nhập cao và ổn định hơn cho người lao động.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu năng lượng Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ rào cản thế nào?

    Xuất khẩu năng lượng Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ rào cản thế nào?

    13:50, 15/01/2021

  • Đồng Bằng Sông Cửu Long: Tốc độ đô thị hóa đạt chưa đến 1% mỗi năm

    Đồng Bằng Sông Cửu Long: Tốc độ đô thị hóa đạt chưa đến 1% mỗi năm

    01:10, 11/12/2020

  • Giải bài toán liên kết không gian vùng đô thị, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long

    Giải bài toán liên kết không gian vùng đô thị, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long

    11:28, 10/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài I): Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế 2009 - 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO