QUỐC HỘI VỚI DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN: Ngân hàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực.
Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của BIDV cũng đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại những khu vực thực hiện giãn cách xã hội, cũng như phải triển khai các hoạt động phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe đời sống của người lao động, song song với việc duy trì kinh doanh liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù vậy, để tiếp tục nâng cao các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng có thể nhanh chóng quay lại hoạt động kinh doanh, ông Lâm đã kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Luật giao dịch điện tử, để bổ sung thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Ông Lâm cho biết, qua thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử đã cho thấy tồn tại một số bất cập cần sửa đổi bổ sung, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 và xu hướng số hóa mạnh mẽ của các ngân hàng, doanh nghiệp hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp.
"Phạm vi điều chỉnh cũng loại trừ không áp dụng với một số lĩnh vực như Bất động sản, thừa kế điều này gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai các sản phẩm online, số hóa và đặc biệt gây khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử", ông Lâm nói thêm.
TGĐ BIDV cũng đề nghị Quốc hội xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị quyết số 42/2017/QH14, Về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng được ban hành năm 2017 đánh dấu một dấu mốc quan trọng lần đầu tiên có một văn bản pháp quy trong lĩnh vực xử lý nợ xấu.
Qua 5 năm thi hành, Nghị quyết 42 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ là thí điểm nên có thời hạn 5 năm, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022. Trong thời gian 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Do đó, TGĐ BIDV mong muốn Quốc hội xem xét, ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu.
Theo ông Lâm, Quốc hội cần xem xét luật hóa về giao dịch đảm bảo. Hành lang pháp lý hiện nay của việc đăng ký giao dịch đảm bảo mới dừng ở cấp nghị định của chính phủ và nhiều thông tư của các bộ quản lý liên quan, dẫn đến chưa đồng bộ thống nhất, hiệu lực pháp lý chưa cao trong việc liên thông cơ sở dữ liệu về tài sản đảm bảo.
Cuối cùng, BIDV mong muốn Chính phủ, các bộ ngành xem xét việc chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV cũng như các Tổ chức tín dụng Nhà nước, thông qua các biện pháp đặc biệt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng.
Trong thời gian qua, quán triệt chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng do đại dịch như thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giảm trực tiếp lãi suất, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện một số thủ tục qua hình thức online,... để chia sẻ những khó khăn cùng các doanh nghiệp.
Cùng với các chương trình an sinh xã hội, việc triển khai các gói hỗ trợ tín dụng ưu đĩa cho các nhân viên y tế tham gia chống dịch cũng được tiến hành nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cho các cán bộ tuyến đầu.
Có thể bạn quan tâm
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Xây dựng văn bản pháp luật cần lấy ý kiến doanh nghiệp
14:50, 07/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Chủ tịch VCCI, lấy COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế
14:30, 07/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi quyết sách!
14:20, 07/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Khơi thông dòng chảy pháp luật kinh doanh
13:55, 07/10/2021