Phát triển bền vững để thích ứng với tương lai
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua đại dịch COVID-19, nhiều mô hình phát triển bền vững cho thấy khả năng thích ứng đối với dịch bệnh, những yếu tố an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu.
>> Phát triển bền vững - xu thế không thể đảo ngược.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam CSI 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Lan tỏa phát triển bền vững
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đối tác đã kiên trì khởi xướng, tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững, lan toả phát triển bền vững.
Theo Phó Thủ tướng, hoàn thành hết 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Còn các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn.
Từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào. Tuy nhiên, không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp, mà cộng đồng và từng người dân có vai trò quan trọng không kém trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, cùng với đó là quyết tâm đẩy mạnh hợp tác công-tư với là nòng cốt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều điều trên thế giới. Về kinh tế, năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng âm, bước sang năm 2021, trước khi biến chủng Delta xuất hiện, đã có những đánh giá khá lạc quan về triển vọng kinh tế tăng trưởng trở lại ở nhiều nước. Mặc dù đợt dịch thứ tư do biến chủng Delta gây nhiều tổn thất về người, về kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế dương.
Trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, từng quốc gia, từng cộng đồng, từng DN đã rút ra rất nhiều bài học, về những sự thay đổi cần thiết để thích ứng trước các đại dịch.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Qua đại dịch, mỗi quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp, từng cá nhân phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với bản thân, giữ gìn cho người thân, cộng đồng, nhất là trách nhiệm toàn cầu, khi không một quốc gia nào tự chống được dịch bệnh lây nhiễm, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu trong tương lai.
Từng người, từng cộng đồng, từng quốc gia, toàn thế giới phải biết hy sinh lợi ích trước mắt vì lợi ích lâu dài hơn cho bản thân mình và cho tất cả.
Trong đại dịch, ở Việt Nam cũng như các nước cho thấy, từng người, từng doanh nghiệp có tiết kiệm, có tích luỹ, trên phạm vi thế giới là tiết kiệm các nguồn lực, nguồn tài nguyên hữu hạn, thì chúng ta sẽ thích ứng được với tương lai.
Những lúc khó khăn nhất trong đại dịch cần có tinh thần lạc quan, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề bên cạnh nghiêm khắc nhìn nhận những nguyên nhân. Ví dụ như trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nước trên thế giới đã làm giảm ô nhiễm không khí. Đại dịch cũng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, tự nhiên hơn.
Ngược lại, tình hình biến chuyển tốt chúng ta cũng không thể quên rằng trong tương lai có thể xuất hiện nhiều đại dịch khác, thậm chí xảy ra cùng lúc với nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai do biến đổi khí hậu.
“Chúng ta phải cùng nhau thực hiện những việc dù là nhỏ nhất, thay đổi thói quen ngay từ ban đầu vì sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “Trong đại dịch vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Những doanh nghiệp theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp được cộng đồng, người lao động. Tất cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 97% có quy mô vừa và nhỏ, cần cùng nhau xây dựng cồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Đừng coi đây chỉ là ‘sân chơi’ của các doanh nghiệp lớn, mà là của tất cả các doanh nghiệp và tất cả mọi người”.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Từ thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thời gian vừa qua, có thể khẳng định, những doanh nghiệp đã sớm lựa chọn định hướng phát triển bền vững cho chiến lược phát triển và áp dụng mô hình quản trị, kinh doanh bền vững đã thể hiện khả năng chống chịu, thích ứng và cạnh tranh tốt trước những thách thức toàn cầu. Có thể nói rằng, áp dụng mô hình kinh doanh, quản trị bền vững chính là vaccine hiệu quả tăng cường hệ thống miễn dịch của doanh nghiệp. Để tăng cường khả năng chống chịu, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường toàn cầu. Định hướng kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững cần được thấm nhuần và trở thành cam kết trong toàn bộ bộ máy doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo đến từng cá nhân người lao động. Các doanh nghiệp nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp. CSI giúp tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs, hoạch định một lộ trình cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, sớm phát hiện những rủi ro cũng như những cơ hội kinh doanh mới, qua đó quản trị doanh nghiệp hiệu quả…
Bà Cao Thị Ngọc Dung: Chủ tịch HĐQT PNJ chia sẻ: Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. 3 từ khoá chiến lược về phát triển bền vững của PNJ là: thực chất, chủ động và tầm nhìn dài hạn. Trong đó, thực chất là đi từ giá trị cốt lõi bên trong văn hoá doanh nghiệp. Phát triển bền vững là linh hồn, doanh nghiệp phải đặt lợi ích xã hội, lợi ích khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động tiếp tiếp cận với các chỉ tiêu, với các chương trình phát triển bền vững. Quan trọng hơn, phát triển bền vững phải có tầm nhìn dài hạn, đôi khi phải hy sinh mục tiêu ngắn hạn để đạt được mục tiêu chung.
Vốn xã hội của chúng tôi ngày càng tăng lên, đây là nguồn vốn tạo sự phát triển bền vững. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phân công thành viên xây dựng xây dựng các chương trình cụ thể hơn phù hợp với chiến lược phát triển anh và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.
Đo “sức khoẻ” doanh nghiệp
Kết quả công bố các doanh nghiệp bền vững Việt nam lần thứ 6 năm 2021 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đạt danh hiệu top 10 phát triển bền vững lần lượt là 55% và 45%; trong top 100 thì tỷ lệ này lần lượt là 63% và 27%. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.
Bộ chỉ số CSI do VBCSD - VCCI xây dựng từ năm 2014 đang ngày càng chứng minh được tính hữu dụng, thuận tiện, phù hợp với quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững. Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường và các chỉ số về xã hội được doanh nghiệp coi như một bộ công cụ hướng dẫn, đo đếm kết quả hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quản trị các rủi ro, tăng cường khả năng chống chịu cũng như tuân thủ các thông lệ quốc tế trong thực tiễn kinh doanh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam(VBCSD) chia sẻ: Trải qua 06 mùa triển khai Chương trình đánh giá và công bố doanh nghiệp bền vững, VCCI – VBCSD luôn chủ động tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan, phổ biến, cập nhật và hoàn thiện Bộ Chỉ số CSI. Trong tầm nhìn và chiến lược phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, chúng tôi hướng tới việc hoàn thiện các tiêu chí đánh giá ngày càng đa lĩnh vực, đa quy mô và sát hơn với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam, phù hợp với những tiêu chuẩn về hội nhập. VCCI mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực, quý báu của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước và đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam CSI 2021, Ban Tổ chức đã chính thức Phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững năm 2022 (CSI 2022).
Có thể bạn quan tâm
[eMagazine] Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn
05:00, 09/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững
05:00, 05/12/2021
Thủ tướng nêu 3 ưu tiên trong hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững
11:00, 30/11/2021
Lan toả giá trị phát triển bền vững
17:08, 07/12/2021