Tìm cách thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam
Ngày 21/4, Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm và chương trình đào tạo chuyên sâu về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư” tổ chức tại Đà Nẵng với sự phối hợp của VCCI và USAID.
>>> Cơ hội từ kết nối
Luật đầu tư theo phương thức công – tư (PPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2021 với nhiều nội dung đổi mới được xem là một cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xây dựng môi trường thể chế quản lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững.
Do đó, Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm và chương trình đào tạo chuyên saau về đầu tư theo phương thức đối tác công – tư” được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, tăng cương năng lực và sự hiểu biết về đầu tư PPP cho cả hai khu vực công tư. Qua đó, nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các dự án PPP tại các địa phương trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phương thức đầu tư PPP là mô hình đầu tư cả nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi. Trong đó, có thể kể đến như thúc đẩy, cải thiện mạnh mẽ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước, luôn hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất đến cho người dân, tạo dựng mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ. Đồng thời, hợp tác PPP sẽ kích thích tăng trưởng nhu cầu phát triển trong nước. Có khả năng tiếp cận các công nghệ xây dựng và công nghệ quản lý mới trên thế giới.
“Phát triển hạ tầng giao thông hiện đại để thúc đẩy kinh tế liên vùng, phát triển ngành năng lượng để phục vụ nhu cầu của sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường bền vững là hai trong các nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhu cầu đầu tư cho các công việc này là rất lớn, chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công là bất khả thi.
Trong khi đó, nguồn lực từ xã hội là vô tận, và đối tác công tư là một giải pháp tuyệt vời cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế… PPP thực sự không chỉ phát huy tiềm lực về tài chính mà còn cả về công nghệ và quản trị cho sự nghiệp phát triển quốc gia – là một giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư nếu được quản trị một cách minh bạch”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Thông tin từ ông Nguyễn Quang Vinh, tại Việt Nam mô hình PPP đã được thực hiện cách đây hơn 20 năm, với khung pháp lý ban đầu là nghị định của Chính phủ quy định quy chế đầu tư có hợp đồng BOT. Sau đó được từng bước phát triển từ Nghị định số 15/2015 đến Nghị định số 63/2018 và gần đây nhất có thể coi là 1 bước tiến lớn, 1 cam kết từ Nhà nước về tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân khi Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
Đồng thời, Luật PPP có rất nhiều điểm mới nhắm tới thu hút nhiều nguồn lực hơn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, điển hình là “PPP vì con người” như khuyến nghị của Liên Hợp Quốc. Các dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư có đặc điểm là thường có giá trị lớn, thời gian thực hiện, vận hành dài và do đó, để đảm bảo hợp tác công tư bền vững, cả phía công và phía tư.
“Ngoài nhiều yếu tố về quyền và nghĩa vụ đối ứng của từng bên thì cần có tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm, phối hợp cùng giải quyết các vướng mắc, khó khăn có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án để đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Với vai trò và nhiệm vụ được giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, góp phần đưa mối quan hệ hợp tác công tư lên một tầm cao mới, cùng nhau hướng tới một nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cùng trao đổi, ông Greg Leon, Giám đốc Phòng Quản trị và Tăng trưởng kinh tế USAID tại Việt Nam cho rằng hợp tác theo phương thức công - tư chính là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tương lai. Thông qua đó, người này cho rằng giữa khối Nhà nước và khối tư nhân sẽ có thêm sự liên kết bền chặt, từ đó tạo nên yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế quốc gia bền vững.
>> Kỳ vọng 2022 sẽ là năm của các dự án PPP
>> Giải quyết tranh chấp trong các dự án PPP
“Luật đầu tư theo phương thức công tư mới đã tạo nên một cơ hội quan trọng để xây dựng nền tảng này cũng như hỗ trợ cho các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động được sự đầu tư từ lĩnh vực tư nhân phục vụ cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công cộng. Và trong một vài năm trở lại đây, USAID cùng VCCI đã xây dựng nhiều phương án toàn diện cùng với sự tham gia của Bộ, ngành nhằm hỗ trợ cho các hợp tác PPP. Bao gồm các sự hỗ trợ tư vấn của chuyên gia về việc xây dựng Luật PPP đầu tiên của Việt Nam và cũng đã được Chính phủ Việt Nam thông qua vào năm 2010”, ông Greg Leon thông tin.
Theo người này, sự hợp tác giữa USAID và VCCI sẽ củng cố thêm nữa những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường thuận lợi để có được nguồn vốn đầu tư vào các dự án có triển vọng tại Việt Nam.
Có mặt tại Hội thảo, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Monitor Consulting cho hay Luật PPP đã có nhiều nỗ lực để phù hợp với các Luật pháp khác và giải quyết các khoảng trống pháp lý để có thể thực hiện các dự án PPP. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng Luật PPP không nên được xem xét riêng lẻ mà phải hoạt động trong khuôn khổ pháp lý luật rộng hơn, bao gồm pháp luật điều chỉnh tất cả các hoạt động phát triển dự án cơ sở hạ tầng bao gồm lập kế hoạch, phê duyệt, mua sắm đấu thầu đến tài trợ và từ cấp phép đến môi trường.
“Luật PPP không được thiết kế để có thể ưu tiên áp dụng trên các yêu cầu của các luật chung và luật chuyên ngành. Trong đó, các phương thức thực hiện PPP gồm giao thông vận tải, lưới điện và nhà máy điện, thủy lợi, xử lý chất thải, y tế, giáo dục – đào tạo và các công trình hạ tầng công nghệ thông tin,...”, ông Trần Duy Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, Luật PPP mới có nhiều điểm đáng chú ý các doanh nghiệp có thể vận dụng để mở ra cơ hội hợp tác công - tư. Trong đó, các quy định mới về vốn đầu tư nhà nước, bảo lãnh nghĩa vụ hợp đồng, quy mô tối thiểu của dự án PPP,... sẽ là điều kiện thuận lợi để hai bên công - tư cùng có lợi.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công là Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL
12:15, 14/04/2022
VCCI tin tưởng Đắk Nông sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư
18:02, 12/04/2022
VCCI tăng cường phối hợp hỗ trợ người lao động
17:20, 12/04/2022
Cán bộ VCCI Cần Thơ chia sẻ cởi mở cùng Chủ tịch Phạm Tấn công
14:55, 08/04/2022