Điện Biên đặt mục tiêu top 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI
Năm 2022, Điện Biên quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với mục tiêu vươn lên trong top 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI.
>>>Thành phố Điện Biên Phủ: “Lắng nghe” doanh nghiệp
Đây là mục tiêu được đặt ra tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Điện Biên 2021, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022 do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức ngày 12/6/2022.
Phát biểu tại Hội nghị ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: Đây là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, để đánh giá những kết quả đạt được, nhìn nhận những mặt tồn tại hạn chế, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.
Tìm giải pháp đột phá
Năm 2022, chỉ số PCI của Điện Biên chỉ đạt 61,86 điểm (giảm 0,76 điểm), giảm 07 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 53 trên bảng xếp hạng toàn quốc, xếp thứ 10/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Qua đánh giá sơ bộ các chỉ số thành phần cho thấy có những chỉ số bị giảm điểm, có những chỉ số tăng điểm nhưng giảm thứ bậc trên bảng xếp hạng; một số chỉ số có sự tăng giảm thất thường, thiếu ổn định qua các năm, một số chỉ số có tính chất quan trọng có tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân có điểm số còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới... Nếu tỉnh Điện Biên không tiếp tục nỗ lực, cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI của tỉnh có thể tiếp tục bị giảm trong thời gian tới.
“Tỉnh Điện Biên mong muốn nhận được những nội dung đánh giá, khuyến nghị của các chuyên gia để giúp tỉnh có những giải pháp đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Tôi cũng đề nghị các đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan trong tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đâu tư tại Hội nghị đưa ra các ý kiến đóng góp trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu các khuyến nghị của các chuyên gia để tiếp tục đi sâu phân tích các chỉ số thành phần, làm sâu sắc thêm kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thân thiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh”- ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.
Phân tích các chỉ số PCI Điện Biên, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường trực VCCI, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI đã chỉ ra những điểm tích cực: Niềm tin của doanh nghiệp vào các cơ chế pháp lý được củng cố.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tin rằng cấp trên không bao che và sẽ nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm năm 2021 là 53%; Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có sự cải thiện; Chất lượng thông tin về ưu đãi đầu tư và quy định thủ tục hành chính được đánh giá tính cực; Các hoạt động cải cách hành chính nhìn chung có sự tiến bộ dù mức độ cải thiện vẫn chậm hơn xu hướng chung trên toàn quốc. 73% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, 69% doanh nghiệp đánh giá thời gian thực hiện thủ tục hành chính rút ngắn hơn so với quy định.
Bên cạnh đó ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra những khía cạnh Điện Biên có thể cải thiện đó là: Khá nhiều doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp trở ngại với các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện. 25% doanh nghiệp gặp trở ngại khi xin cấp phép kinh doanh có điều kiện đã phải trì hoãn hoặc huỷ bỏ kế hoạch kinh doanh; Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn về thủ tục hành chính đất đai. Chỉ 5% doanh nghiệp cho biết trong năm 2021 họ không gặp khó khăn về thủ tục hành chính đất đai. 69% doanh nghiệp gặp các phiền hà về thủ tục hành chính đất đai đã phải trì hoãn hoặc huỷ bỏ kế hoạch kinh doanh.
Doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp khó khăn về mặt bằng kinh doanh. 28% doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch, cao hơn mức trung vị cả nước là 22%; Giảm tải gánh nặng thanh, kiểm tra cho doanh nghiệp. 21% doanh nghiệp cho biết bị thanh kiểm tra trên 3 lần trong năm; Tiếp tục giảm phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt như: đất đai, thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội..; Chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. 56% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
Khuyến nghị về giải pháp nâng cao PCI Điện Biên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Điện Biên cần tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong năm 2022 dựa trên các Nghị quyết Chính phủ.
Tỉnh cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI, đặc biệt là các lĩnh vực cần cải thiện. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là đăng tải đẩy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án đầu tư, các dự án về đối tác công tư.
Về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, mỗi địa phương đề nghị triệt để giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh, thành phố trong việc làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ: chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của quận, huyện, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung. Cần đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Đồng thời, xây dựng chương trình đổ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp. Tổ chức và thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, quận, huyện một cách thường xuyên. Nghiên cứu, học tập các mô hình và thực tiễn tốt ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Chí Ba, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên kiến nghị: Thứ nhất, các cấp chính quyền tỉnh cần làm trúng những điều doanh nghiệp cần. Lãnh đạo tỉnh cần lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp thông qua kênh hiệp hội để xây dựng và ban hành chương trình hành động với danh mục các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trúng những vấn đề, lĩnh vực mà doanh nghiệp cần, tránh việc xây dựng, ban hành quá nhiều hoạt động nhưng lại không mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Thứ hai, làm đúng và thực chất những gì đã cam kết. Các chương trình, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khi đã ban hành thì cần triển khai quyết liệt và thực chất, tránh hình thức. Cộng đồng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thực chất và hiệu quả từ phía chính quyền theo tinh thần “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thành quả thật”.
Thứ ba, một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của chính sách đó là tính kịp thời. Một chính sách đúng, thiết thực với doanh nghiệp nhưng lại triển khai chậm thì cũng làm cho sự hiệu quả giảm sút, thậm chí là không còn hiệu quả.
Thứ tư, tỉnh cần phân tích, chỉ số thành phần giảm điểm, nhận diện rõ nguyên nhân để từ đó có giải pháp “kéo” những chỉ số đang bị giảm điểm, biến áp lực từ những chỉ số giảm điểm thành động lực cải thiện môi trường kinh doanh. Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền về sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương với doanh nghiệp cũng rất quan trọng, cần xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp và doanh nghiệp với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Thứ năm, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính các cấp, ứng dụng chữ ký số đối với các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương 5 năm liên tiếp (2017- 2021) quán quân PCI, bà Vũ Thị Kim Chi - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh - Tổ phó Tổ Công tác PCI tỉnh Quảng Ninh chia sẻ các giải pháp nâng cao PCI: Thứ nhất, luôn luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, trăn trở tìm ra điểm nghẽn, tìm ra động lực, nguồn lực mới..
Thứ hai, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng “xanh”, hạ tầng “xanh”, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số... định hình hệ sinh thái khởi nghiệp thế hệ mới.
Thứ ba là Nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Phát huy hiệu quả các Tổ công tác về hỗ trợ đầu tư Quang Ninh Investor Care, hỗ trợ doanh nghiệp… đã thành lập để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ tư, Chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, CBCCVC các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng tầm nhìn, tác phong, lề lối, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức đủ khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết liệt.
Thứ năm, nỗ lực tạo môi trường thể chế bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Thứ sáu, mạnh dạn thí điểm thành công nhiều mô hình mới: Ban IPA, Trung tâm truyền thông, Trung Tâm Phục vụ Hành chính công các cấp, Ban Quản lý KKT Vân Đồn…
Thứ bảy, Khai thác, tận dụng phát huy thế mạnh liên kết vùng trong khu vực và quốc tế. Nhận diện về tầm quan trọng của công tác xây dựng quy hoạch chiến lược, đẳng cấp quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư. Thứ tám, Mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá mức độ tín nhiệm chính bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở: DDCI, DGI, SIPAS, ICT...
Cam kết thực thi
Thẳng thắn nhìn nhận, năm 2021 và trong những năm qua, chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên chưa có nhiều cải thiện, chưa thực sự được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá và ghi nhận cao, ông Nguyễn Văn Thắng- Bí thư tỉnh ủy Điện Biên nhận định: Vẫn còn những khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách chưa được lấp đầy; những khó khăn, vướng mắc và cả những trăn trở mà doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tháo gỡ chưa được giải quyết như mong đợt; những kỳ vọng và mục tiêu cần hướng tới chưa đạt được; và còn rất nhiều việc chúng ta cần phải trăn trở, suy nghĩ một cách nghiêm túc, thẳng thắn và tập trung giải pháp giải quyết.
“Năm 2022, Điện Biên quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI với mục tiêu vươn lên trong top 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI. Trong đó, phấn đấu có ít nhất 03 chỉ số ưu tiên cải thiện mạnh mẽ, vượt bậc, vươn lên trong top 15 (Chỉ số Tính Minh bạch, Cạnh tranh Bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự); 03 chỉ số trong top 30 (Tính Năng động; Hỗ trợ Doanh nghiệp và chỉ số Đào tạo lao động); 04 chỉ số còn lại phấn đấu cải thiện điểm số và nâng hạng so với 2021.
Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị quyết tâm, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tỉnh.”- ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
- Điện Biên cần đột phá cải cách hành chính
- Điện Biên: Hút “đại bàng” đến làm tổ
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành, chủ tịch UBND địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan cần nhận thức rõ, chuyển hóa và triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: Thứ nhất, tập trung bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 29/7/2021về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo.
Tiếp tục xác định đầu tư cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là đầu tư cho sự phát triển; với phương châm thực chất, không hình thức, lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh trranh cấp tỉnh, nhất là thủ trưởng các sở/ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị được giao làm đầu mối các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kết quả điểm số, thứ hạng các chỉ số thành phần PCI tỉnh thuộc trách nhiệm cơ quan mình.
Thứ ba, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm tối đa chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Thứ tư, nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong đó thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược; hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các địa phương có trách nhiệm công bố, công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình bằng nhiều hình thức, đổi mới cách làm trên trang thông tin điện tử của đơn vị; các trang mạng xã hội như fanpage, zalo… để nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Thứ năm, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhanh chóng linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 và các biến động của thiên tai. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh cần nghiên cứu, đổi mới nâng cao chất lượng các buổi gặp mặt, café doanh nhân để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, phân công cụ thể bộ phận giám sát, đôn đốc tiến độ giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thứ sáu, Sở thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số; nâng cao chất lượng phần mềm hệ thống quản lý, xử lý văn bản; nền tảng tích hợp, chia sẻ. Đặc biệt, tập trung triển khai dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư; tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng, bảo đảm cắt giảm thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, giảm chi phí.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Triển khai nhiều cách thức đánh giá chất lượng cán bộ công chức, nhất là tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc đội ngũ cán bộ tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp, cần nghiêm túc thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất.
Thủ trưởng các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố chịu trách nhiệm trước Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức đơn vị mình có hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các TTHC cũng như các hoạt động công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp do đơn vị mình đảm trách.
Thứ tám, thu hẹp khoảng cách giữa các cấp thực thi (cấp tỉnh - cấp sở, ngành và cấp huyện) để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện ở cấp sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương nghiên cứu, triển khai Chương trình khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương, gọi tắt là DDCI 2022 đảm bảo tính khách quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, số lượng phiếu khảo sát DDCI tỉnh Điện Biên.
Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò trong triển khai khảo sát giám sát chất lượng (PCI/ DDCI). Thực hiện điều tra, nắm bắt và đánh giá tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để tham mưu, phản biện kịp thời, phát huy hiệu quả của các chính sách.
Có thể bạn quan tâm