Chữ “tín” - Khó mấy cũng phải làm
Không chỉ trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, chữ tín luôn đóng vai trò trong cuộc sống, không có chữ tín có làm cũng mất nhiều hơn được…
>> Giá trị đạo đức tốt đẹp là động lực để doanh nghiệp cống hiến cho sự thịnh vượng đất nước
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng, Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện tôn vinh doanh nhân và kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Theo TS. Nguyễn Viết Chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định, nếu mất văn hóa là mất tất cả, và tại văn kiện, Đảng và Nhà nước ta thẳng thắn nhìn nhận, văn hóa hiện nay chưa được quan tâm tương xứng với chính trị - kinh tế, việc xây dựng văn hóa doanh nhân có thể nói là một việc lớn, rất quan trọng, nếu không có văn hóa sẽ đánh mất tất cả.
Bên cạnh đó, chia sẻ về chữ tín trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, nhắc đến chữ tín người ta thường nghĩ đến đạo lý “ngũ thường” trong chuyện của Trung Quốc du nhập vào nước ta gồm: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Chữ “tín” với Trung Quốc là lời nói phải giữ, hứa phải đi đôi với làm và thường dành cho bậc quân tử, thế nhưng, khi vào Việt Nam, chữ tín không chỉ là lời hứa đi đôi với hành động, việc làm, mà chữ tín xuất phát từ hành vi, hành động rất nhỏ trong cuộc sống mà bất cứ một người dân nào cũng có thể làm được.
“Trọng danh dự, trọng bản thân mình và trọng người khác cũng là chữ tín, và chúng ta cần phải nhìn rộng như vậy để thấy được giá trị, ý nghĩa mà chữ tín mang lại”, TS. Nguyễn Viết Chức cho hay.
Cũng theo TS. Nguyễn Viết Chức, đặc biệt với doanh nhân, doanh nghiệp thì chữ tín phải rõ rệt, khi đã nói: "Hàng hóa của tôi tốt lắm, tôi định làm cái này, tôi định làm cái kia", thì phải thực hiện cho bằng được, không được để khi đi vào thực hiện lại đem đến những sản phẩm giá trị thấp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng là không được.
Trong môi trường hiện nay, để thực hiện chữ tín rất khó khăn, không chỉ riêng doanh nhân, doanh nghiệp mà cả những cán bộ đương chức bây giờ cũng vậy, để thực hiện được chức tín cũng không phải tốt lắm bởi xung quanh luôn tiềm ẩn nhiều cạm bẫy... Tuy nhiên, khó đến mấy cũng phải làm, như bác Phạm Văn Đồng nói, “khó ló cái khôn”, hay như chúng ta hay có câu “giấy rách phải giữ lấy nề”,… bởi không có chữ tín có làm cũng sẽ mất nhiều hơn được.
“Tôi đề nghị là phải làm, vì các doanh nghiệp, doanh nhân bởi muốn doanh nghiệp mình phát triển thì phải giữ chữ tín, kể cả những doanh nghiệp có thương hiệu, có tên tuổi, thành công nhưng không giữ chữ tín thì phát triển không bền vững, không làm một ngày nào đó cũng thất bại thì mất mát vô cùng to lớn”, TS. Nguyễn Viết Chức cho hay.
TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định, đối với thương hiệu quốc gia không chỉ mình chữ tín mà chữ tín đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển thương hiệu quốc gia, đây là đóng góp của mọi người trong đó có cả doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó tạo nên giá trị đã và đang có… như những chia sẻ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "chúng ta đang có một cơ đồ rất lớn"...
"Tôi đồng tình chúng ta đang có cơ đồ rất lớn, cơ đồ lớn nhất đó là thương hiệu quốc gia, niềm tin của cộng đồng thế giới… bởi chúng ta có một chính sách rất đúng đắn, ngoại giao tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và luôn đề cao ưa chuộng hòa bình, cái đó tạo ra thương hiệu quốc gia... Chữ tín là do mình làm ra, nên chúng ta phải giữ, nếu chúng ta không giữ chữ tín thì một ngày nào đó chúng ta sẽ mất những gì đang có bởi những việc không đáng có", TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Đạo đức và văn hóa doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia
14:59, 11/10/2022
Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là chuẩn mực đạo đức của doanh nhân
13:30, 11/10/2022
Đạo đức và văn hoá kinh doanh là tài sản của doanh nhân
12:27, 11/10/2022
Phát triển bền vững với các trụ cột văn hoá kinh doanh
12:00, 11/10/2022
Đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh gắn với phát triển bền vững
10:58, 11/10/2022