Việt Nam mới chủ động được 30% nguyên liệu hạt điều thô

ĐÌNH ĐẠI 02/11/2022 11:15

Mặc dù là đất nước xuất khẩu hạt điều thành phẩm lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam mới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu, phần nguyên liệu điều thô còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

>>> Ngành điều cần điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Thông tin trên được Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) Trần Ngọc Liêm nêu tại Hội thảo “Tiềm năng đầu tư kinh doanh với thị trường Tây Phi trong ngành Nông sản, đặc biệt là ngành Điều”, do VCCI HCM phối hợp với Công ty ARISE tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm đánh giá, từ một ngành sản xuất chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước, cung ứng tiêu dùng nội địa và xuất thô sản phẩm sơ chế, ngành điều đã phát triển thành ngành sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Dẫn số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, ông Liêm cho biết, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu điều của Việt Nam vẫn đạt 3,6 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2019 (trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát). Nếu so sánh với năm 2010, trị giá xuất khẩu điều của Việt Nam qua 11 năm đã tăng 3,2 lần, bình quân tăng 20%/năm.

“Việt Nam 15 năm liền tiếp tục là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thể giới, chiếm 80% sản lượng xuất khẩu điều nhân toàn cầu. Nguyên liệu hạt điều nhập khẩu cũng tăng, đạt mức kỷ lục 2,9 triệu tấn (năm 2021), tăng 74 lần so với năm 2011 (năm đầu tiên hải quan có công bố thống kê nhập khẩu hạt điều), tương đương với mức tăng bình quân 64%/năm”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm cho biết.

Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm phát biểu tại Hội thảop/- Ảnh: Đình Đại.

Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, tới năm 2022 và đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 đã có nhiều dấu hiệu khó khăn trong sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu điều. Do đó, cần phải có sự quan tâm, phân tích tìm cách tháo gỡ và tìm hướng đi, phát triển mới.

“Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu điều của Việt Nam giảm 11% về sản lượng so với cùng kỳ đạt 380.536 tấn và đạt 2,3 tỷ USD, giảm 14.4% so với cùng kỳ năm 2021. Có 15/31 thị trường chính xuất khẩu điều mà trị giá xuất khẩu điều của Việt Nam giảm mạnh như: Ucraina giảm 82,1%; Nga giảm 34,1%; Hoa Kỳ giảm 19%; Trung Quốc giảm 31%... Nguyên nhân chung là do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ucraina, biến động tỷ giá ngoại tệ, lạm phát tăng, và giảm cầu tiêu dùng trên thế giới....”, ông Liêm phân tích.

Về nguồn nguyên liệu, ông Liêm cho rằng, mặc dù là đất nước xuất khẩu hạt điều thành phẩm lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam mới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu. Phần nguyên liệu điều thô còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn hạt điều thô từ 6 thị trường chính là 4 nước châu Phi với 718.000 tấn, chiếm 44,1% số lượng tấn điều nhập khẩu, trong đó có Bờ Biển Ngà, Gana, Nigeria thuộc Tây Phi chiếm 37,9% số lượng tấn điều nhập khẩu. Tiếp đến là Campuchia với 705.000 tấn, chiếm 43,2%; và Indonesia với 6.862 tấn, chiếm 0,4%. So với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu điều của Việt Nam đã giảm 35,9 % về số lượng (tấn) và giảm 37,2% về trị giá.

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Từ những thực tế trên, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến việc đặt văn phòng tại Tây Phi để chủ động trong kinh doanh thu mua điều, nhập khẩu về Việt Nam để tránh những rủi ro, tranh chấp khi phải thông qua bên thứ 3.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư nhà máy, tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ và chính sách ưu đãi đầu tư của các nước Tây Phi, sản xuất điều sơ chế, xuất khẩu về Việt Nam để chế biến sâu để xuất khẩu ra thể giới nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi toàn cầu.  

>>>Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Hồi kết có hậu và bài học cho ngành điều

Đánh giá về tinh hình sản xuất kinh doanh điều của Việt Nam năm 2022, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, toàn ngành điều Việt Nam đã xuất khẩu được 400.143 tần điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Như vậy, dự kiến cả năm 2022, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu xuất khẩu nhân điều là 3,2 tỷ USD.

Về nhập khẩu, tính đến ngày 15/10/2022, các doanh nghiệp ngành điều đã nhập khẩu được 1.679.067 tấn điều thô từ nước ngoài với giá trị 2,4 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ những thị trường chính như: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Ghana, Nigeria, Tanzania, Guinea Bissau...

ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệu hội Điều Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệu hội Điều Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

“Trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ 2021. Các nhà nhập khẩu và chế biến của Việt Nam tiếp tục có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giá điều thô nhập khẩu còn ở mức quá cao so với giá nhân điều xuất khẩu, khó cân đối để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nhựt đánh giá.

Về tinh hình sản xuất kinh doanh điều những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ông Nhựt nhìn nhận, tình hình sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức, khi mà Trung Quốc chưa dỡ bỏ hoàn toàn chính sách “Zero Covid”, xung đột Nga – Ukraina, tình hình kinh tế - chính trị quốc tế, lạm phát, đình trệ, suy thoái, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/VND..., Do đó, tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức.

Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm hạt điều Việt Nam, ông Nhựt cho rằng, lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam chính là môi trường chính trị - kinh tế - xã hội ổn định. Việt Nam cũng đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới. Nhiều cơ chế, chính sách đúng đắn đối với ngành điều thời gian qua chính là “chia khóa vàng” giúp ngành điều phát triển.

Ông cũng cho rằng, “Lợi thể cốt lõi” của ngành điều Việt Nam chính là sự phát triển của cơ giới hóa, tự động hóa, đổi mới công nghệ - thiết bị chế biến của ngành điều; đến nay, phần lớn máy móc phục vụ cho chế biến nhân điều sơ chế do doanh nghiệp Việt Nam chế tạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư chế tạo thiết bị giỏi. Lực lượng lao động Việt Nam có tay nghề cao, thông minh, khéo léo, chuyên cần. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam luôn linh hoạt thích nghi và đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Nhiều nhà máy được chứng nhận tiêu chuẩn BRC. Smeta HACCP...

“Một lợi thế nữa của ngành điều và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều Việt Nam theo đánh giá của chúng tôi chính là vùng nguyên liệu tại chỗ chất lượng cao, dù tổng sản lượng thu hoạch còn thấp, chỉ khoảng 400 ngàn tấn điều thô/năm”, ông Nhựt chia sẻ thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành điều cần điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu

    Ngành điều cần điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu

    03:30, 06/08/2022

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Hồi kết có hậu và bài học cho ngành điều

    Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Hồi kết có hậu và bài học cho ngành điều

    04:10, 01/06/2022

  • Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn cấp về nghi án lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều

    Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn cấp về nghi án lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều

    15:06, 15/03/2022

  • Tập đoàn T&T Group ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới

    Tập đoàn T&T Group ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới

    15:44, 05/08/2019

ĐÌNH ĐẠI