Làm gì để “vực dậy” Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?
Cộng đồng kinh doanh tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn gặp nhiều khó khăn, các địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều nổ lực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng.
>>Liêm chính để đất nước phát triển
Chiều 17/03, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp cùng Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của các địa phương tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, các vùng kinh tế trọng điểm là những cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng. Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25 ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
“Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương và hợp tác phát triển. Định hướng và chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Các địa phương trong Vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể”, TS. Phong nói.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng quá trình phát triển thời gian qua cũng cho thấy, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) cho sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Quy mô nền kinh tế vùng còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước. Đóng góp của Vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương,...
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay, Vùng KTTĐMT với vai trò, vị trí rất quan trọng, Đảng nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển. Bên cạnh đó chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có nhiều nỗ lực “thoát khó, thoát nghèo” để vươn lên nhưng kinh tế khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế về tốc độ phát triển còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ, tính bền vững chưa cao,...
“Cộng đồng kinh doanh tại Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung còn gặp nhiều khó khăn bởi những yếu tố quy mô, sức mua thị trường còn thấp, quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển cho dù khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistic còn cao. Cùng với đó, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển, nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu,...”, ông Quang chia sẻ.
Đặc biệt, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cũng cho rằng đại dịch Covid-19 vừa qua là phép thử liều cao về sự phát triển, tính bền vững của doanh nghiệp, nền kinh tế tại khu vực này đã bộc lộ những hạn chế rõ hơn bất cứ lúc nào...Vị này đặt vấn đề rằng đâu là giải pháp để vùng kinh tế trọng điểm miền trung phát triển đúng với tiềm năng và chắp cánh cho sự phát triển kinh tế chung của cả khu vực Miền Trung rộng lớn hơn.
Thông tin tại Diễn đàn, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng nhìn nhận quy mô kinh tế tại Vùng KTTĐMT không ngừng gia tăng nhưng vẫn còn nhỏ. Tính đến cuối năm 2021, quy mô kinh tế của Vùng đã đạt trên 263 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2005. Một số địa phương đạt được sự phát triển ấn tượng, quy mô kinh tế tăng gấp hơn 10 lần chỉ sau 15 năm như Quảng Ngãi (14,8 lần), Quảng Nam (11,6 lần) hay như thành phố Đà Nẵng cũng đã có quy mô kinh tế tăng hơn 8 lần.
“So với kỳ vọng đặt ra, Vùng KTTĐMT chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đóng góp của Vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, GRDP bình quân vùng/địa phương chỉ bằng khoảng 68,6% bình quân cả nước. Nếu xét về mật độ kinh tế, vùng KTTĐMT vẫn có khoảng cách khá lớn so với các vùng khác, thậm chí thấp hơn cả mức bình quân cả nước”, TS. Hòa cho hay.
Theo vị này, dù vậy, cả quy mô lẫn tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của Vùng KTTĐMT đã có sự gia tăng nhất định, từ 5,0% năm 2005 lên 5,7% năm 2018 trước khi giảm xuống 5,4% năm 2021. So với các vùng khác, vùng KTTĐMT đang có sự thu hẹp dần khoảng cách, tuy chỉ là khá nhỏ, nhưng trong xu hướng cùng tiến và đua tranh thì nỗ lực này vẫn là một dấu hiệu tích cực
“Vùng KTTĐMT hiện đang là trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung khi dẫn đầu và chiếm hơn 70% doanh thu du lịch lữ hành, 43,6% kim ngạch xuất khẩu, 38% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Các loại hình kinh tế phát triển nhanh và đa dạng nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa có nhiều dự án lớn, đột phá mang tính động lực, lan tỏa cho Vùng”, TS. Hòa nói thêm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia việc phát triển kinh tế - xã hội tại Vùng KTTĐMT còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, trải rộng ảnh hưởng đến tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội vùng. Hệ thống thể chế chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của Vùng.
“Tư duy “kinh tế địa phương” lấn át tư duy “kinh tế vùng”, liên kết Vùng bị động, chưa mang tính tổng thể. Chưa có quy hoạch thay thế Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐMT, vì thế hầu hết các chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 đều chưa đạt. Ngoài ra, chưa có chính sách, cơ chế đủ mạnh, hiệu quả để tạo đột phá cho Vùng và các địa phương (mới có một số cơ chế, ưu đãi cho Đà Nẵng, Huế). Còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng”, TS. Cấn Văn Lực thông tin.
Từ đó, TS. Lực đã đề xuất các phương án về phân lại, mở rộng Vùng KTTĐMT (bổ sung thêm một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm lực kinh tế mạnh). Đồng thời, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng KTTĐMT, thể chế hoá cơ chế liên kết Vùng liên kết về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển công-nông nghiệp-dịch vụ, nguồn nhân lực,...
Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực lưu ý đến việc phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sinh thái là động lực tăng trưởng. Trong đó, các địa phương chú ý cân bằng các yếu tố gồm Kinh tế - Xã hội - Văn hóa - Môi trường.
Đặc biệt, xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù, thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới, tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế. Đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế Vùng như Ngân sách Nhà nước, tư nhân, quốc tế, ODA, vốn vay ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp,...
Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong Vùng KTTĐMT giai đoạn 2005-2021 tăng nhanh, đến năm 2021 toàn Vùng có 49,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 45% số doanh nghiệp đang hoạt động của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và 5,8% cả nước), tăng 7,56 lần so với năm 2005, đứng thứ 3/4 vùng KTTĐ. Tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh bình quân giai đoạn 2016-2021 của vùng đạt 9,93%, gấp 1,1 lần so với bình quân cả nước, và các yếu tố sản xuất như lao động, vốn, tài sản doanh thu tăng liên tục trong nhiều năm. Toàn vùng hiện có 1.390 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 19,2 tỷ USD, chiếm khoảng 4,6% tổng vốn FDI của toàn quốc. Tuy nhiên, quy mô vốn đăng ký bình quân 1 dự án FDI tại Vùng đến năm 2021 là 13,8 triệu USD/dự án chỉ xấp xỉ mức bình quân cả nước (12,1 triệu USD/dự án) và chưa đến 1/2 so với mức bình quân của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. |
Có thể bạn quan tâm