VBF 2023: Thay đổi visa du lịch để thúc đẩy tăng trưởng xanh
Lãnh đạo EuroCham đề xuất Việt Nam nên sớm có thay đổi về chính sách visa du lịch để gia tăng đóng góp của ngành vào tăng trưởng xanh của đất nước.
“Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – câu ca dao tục ngữ thân thuộc của Việt Nam đã được ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trích dẫn để nói lên sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
>>VBF 2023: Thủ tục hành chính phức tạp làm tăng chi phí doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023 với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cơ quan ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Đại diện EuroCham đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng liên quan đến một loạt các lĩnh vực hợp tác, như năng lượng tái tạo, du lịch, y tế, kinh tế số...
Để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, ông Fluit nhấn mạnh vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính bước ngoặt đối với Việt Nam. Trong đó, chính phủ Việt Nam có thể thúc đẩy vấn đề này trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 và tất cả các quy định cần thiết, với việc sớm đưa vào một chiến lược bù đắp năng lượng điện than. Ngoài ra, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời và gió có thể được tăng cường thông qua điều chỉnh thể chế và cơ sở hạ tầng để có thể chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, hay tìm hướng sử dụng sử dụng hydro xanh với các hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến.
Tiếp theo, lãnh đạo EuroCham đề xuất Việt Nam điều chỉnh chính sách miễn thị thực cho các nước EU và các nước để thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn nữa. Để khai thác tối đa tiềm năng thiên nhiên tươi đẹp cùng di sản văn hóa giàu có, Việt Nam có thể xem xét thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu tự túc trong ba đến sáu tháng. Những chất xúc tác này có thể là giúp ngành du lịch hồi phục và phát triển mạnh, biến Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch.
Đóng góp giúp Việt Nam giải quyết “bài toán” y tế, lãnh đạo EuroCham nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng tiếp cận dược phẩm và thiết bị y tế thông qua các quy trình quản lý được tối ưu hóa và các thông lệ tốt nhất toàn cầu. Điều này đòi hỏi Luật Dược của Việt Nam cần có các sửa đổi về chính sách mua sắm và tài trợ dựa trên giá trị. Mặc dù Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã loại bỏ các rào cản và cải thiện việc thanh toán bảo hiểm y tế, nhưng việc Bộ Y tế nhanh chóng phê duyệt cấp phép lưu hành cho các thiết bị y tế loại C và D là rất quan trọng để tiếp tục giảm tình trạng thiếu hụt trang thiết bị và vật tư y tế.
Trong ưu tiên chuyển đổi số toàn diện, Việt Nam cần tạo ra sự tương thích thực tế cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam để tuân thủ cả Luật an ninh mạng của Việt Nam và Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Châu Âu (GDPR). Điều này đòi hỏi có sự hài hòa giữa luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam với luật pháp quốc tế để tạo điều kiện trao đổi dữ liệu giữa các công ty Việt Nam và các công ty đa quốc gia. EuroCham khuyến nghị các cơ quan chức năng nên ứng dụng chữ ký điện tử được quốc tế công nhận hay áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây đổi mới.
Về vấn đề nhân lực, trong thị trường toàn cầu ngày nay Việt Nam cũng cần thu hút và giữ chân người tài. Điều đó sẽ được thúc đẩy bởi các cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục giấy phép lao động hiện tại. Sự thành công của nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể có được nếu không thể thu hút những nhà đầu tư nước ngoài và tuyển dụng và giữ chân những người giỏi.
>>Doanh nghiệp kiến nghị gì về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu?
Có một vấn đề hiện nay là có những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động mà lại đang bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục. Để khai thác hoàn toàn tiềm năng của lực lượng lao động đa dạng và tài năng, Việt Nam cần đơn giản hóa các rào cản về thủ tục hành chính và mở đường dẫn đến thành công. Điều này có thể đạt được thông qua sửa đổi Luật Lao động và Nghị định 152.
Trong vấn đề thuế, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT) sắp tới, ông Fluit đề xuất Việt Nam tăng cường khuyến khích đầu tư bằng các biện pháp miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh, đồng thời miễn thuế TTĐB cho các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, giảm hoặc miễn thuế TTĐB cho các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và đối với phương tiện giao thông thải ra ít carbon như xe điện.
Trong những năm qua, EuroCham là một trong những đối tác quan trọng, đáng tin cậy nhất của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại hai chiều. Đến nay, Hiệp hội đã có 1300 thành viên và 9 hiệp hội doanh nghiệp quốc gia thành viên. Đối với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, EuroCham là một trong những đối tác ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tích cực nhất.
“Để theo đuổi việc thực hiện đầy đủ sứ mệnh của mình, EuroCham đã cùng làm việc để xác định các lĩnh vực cần có tiến bộ mạnh mẽ, chia sẻ công nghệ tiên tiến của châu Âu và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao”, ông Gabor Fluit chia sẻ. Ông hi vọng những khuyến nghị chính sách của các doanh nghiệp châu Âu có thể giúp Việt Nam “mở đường hướng tới sự thịnh vượng xanh và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, đồng thời tận dụng đầy đủ các lợi ích của EVFTA và đẩy nhanh việc phê chuẩn EVIPA của tất cả các quốc gia thành viên EU”.
Có thể bạn quan tâm