“Bí quyết” giúp PCI Bắc Ninh giữ vững Top 10
Với 69,08 điểm, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nằm trong Top 10 địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất Việt Nam.
>>> PCI là “con số biết nói” tạo động lực thúc đẩy cải cách
Số liệu trên được đưa ra khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) sáng 11/4/2023.
Theo đó, Bắc Ninh xếp vị trí thứ 7 toàn quốc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Bắc Ninh tăng ở 6 chỉ số và giảm ở 4 chỉ số.
Để đạt được kết quả trên, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh – Vương Quốc Tuấn, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung, với nhiều chính sách, giải pháp cụ thể của tỉnh Bắc Ninh, ngay từ đầu năm 2022, Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch để triển khai những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thống nhất trong toàn hệ thống chính trị nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cũng như năng lực điều hành của chính quyền các cấp.
Để tạo nên sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai trực tuyến tới tất cả sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hành chính, chuyển đổi số, tập trung khắc phục 8 điểm nghẽn mà BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã đề ra, đặc biệt là điểm nghẽn ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh xác định tập trung nhiều giải pháp để khắc phục, nâng điểm những chỉ số còn thấp điểm của năm 2021, đặc biệt về “Chi phí thời gian” cho doanh nghiệp.
Thông qua việc phát huy hiệu quả Tổ phản ứng nhanh 3 nhất hỗ trợ doanh nghiệp (kế thừa từ tổ phản ứng nhanh trong phòng chống dịch COVID-19) do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh làm tổ trưởng đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, xử lý thông tin, báo cáo cập nhật thông tin một cách nhanh nhất với lãnh đạo tỉnh, để có giải pháp giải quyết nhanh nhất.
Để phục hồi và phát triển kinh tế, Bắc Ninh tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo sở, ngành, địa phương trong điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế. Theo đó, các sở, ngành chuyên môn cùng vào cuộc với hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh danh. 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên môi trường mạng (online), không có doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn về thành lập doanh nghiệp.
>> PCI 2022: Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện
>> Chỉ số xanh thúc đẩy phát triển xanh
Để trở thành môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, ngoài việc phát triển hạ tầng xã hội, chính sách ưu đãi, thì nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Do đó, công tác đào tạo lao động luôn được tỉnh Bắc Ninh quan tâm. Dẫn chứng, Chỉ số “Đào tạo lao động” của Bắc Ninh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố năm 2022. Chỉ số “Chi phí thời gian” đứng thứ nhất toàn quốc. Chỉ số “Hỗ trợ doanh nghiệp” đứng thứ 5, Chỉ số “tính minh bạch” và “Cạnh tranh bình đẳng” đều xếp ở nhóm cao cả nước.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tập trung khắc phục những chỉ số thấp điểm, đồng thời tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt tới toàn hệ thống chính trị và doanh nghiệp trong tỉnh ngay sau khi công bố PCI năm 2022. Trong đó, Bắc Ninh cam kết giảm tối đa “Chi phí không chính thức”, “Tiếp cận đất đai” bình đẳng, minh bạch đối với tất cả doanh nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh, mang lại thương hiệu cho Bắc Ninh để hấp dẫn các nhà đầu tư, người dân được hưởng thụ những lợi ích mà kinh tế phát triển đem lại, ông Tuấn chia sẻ.
Về kết quả PGI – chỉ số xanh cấp tỉnh 2022, Bắc Ninh lọt top 3 trong bảng xếp hạng năm đầu tiên khảo sát, công bố.
PGI 2022 có 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp); Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Kết quả năm đầu tiên cho thấy 3 tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Trong đó, Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần 1: "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu"
Có thể bạn quan tâm
Thuận Thành (Bắc Ninh): Dấu ấn bước phát triển mới
11:31, 06/04/2023
Bắc Ninh lấy lại đà tăng trưởng du lịch
09:30, 14/03/2023
Bắc Ninh top đầu về chuyển đổi số
00:30, 02/02/2023
Bắc Ninh mạnh mẽ, nhất quán trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư
14:13, 29/08/2022
Bắc Ninh muốn gỡ “điểm nóng” giao thông
00:32, 27/07/2022