Cần thêm liên kết trong việc giải quyết ngập lụt đô thị
Sau những kết quả đạt được từ Dự án giải quyết ngập ngụt đô thị của VCCI Đà Nẵng tại tỉnh Bình Định, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm sự liên kết giữa các đơn vị để duy trì dự án.
>>VCCI Đà Nẵng hỗ trợ Bình Định giải quyết ngập lụt đô thị
Chia sẻ tại Hội thảo kết thúc Dự án Giải quyết ngập lụt đô thị thông qua các sáng kiến cộng đồng và đa thành phần tại Việt Nam, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Giám đốc Văn phòng Điểu phối về biến đổi khí hậu tỉnh Bình Định cho hay thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là đô thị bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Theo ông Vinh, tại khu vực hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn, đặc biệt là phường Nhơn Bình và Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn) là các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt, điển hình là các đợt lụt lịch sử những năm gần dây (các năm 2009, 2013) đã gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng, nhà cửa trên địa bàn.
Tại kịch bản và các dự báo, ông Vinh cho rằng trong tương lai tình trạng ngập lụt sẽ ngày càng trầm trọng hơn đối với các khu vực thuộc vùng hạ lưu sông Hà Thanh, sông Côn của thành phố Quy Nhơn. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời, hiệu quả, kết hợp với công tác tổ chức và chuẩn bị tốt để ứng phó với ngập lụt đề người dân, cộng đồng ở các vùng ven đô thị này có thể bảo toàn được tính mạng và tài sản, chống chịu tốt hơn với tình trạng ngập lụt. Đồng thời, tăng cường khả năng thoát nước góp phần giảm ngập lụt, nâng cao năng lực chống chịu với ngập lụt cho các bên liên quan.
“Trong thời gian qua, Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu tỉnh Bình Định và các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, các phòng ban, đơn vị, địa phương thuộc UBND thành phố Quy Nhơn đã phối hợp với Quỹ Châu Á, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã khảo sát, đánh giá tình hình ngập lụt và đề xuất các dự án nhằm cải thiện công tác quản lý ngập lụt từ phía cơ quan nhà nước, các tổ chức, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp”, ông Vinh cho biết.
Theo vị này, qua kết quả khảo sát và đề xuất của các bên liên quan, hai tiểu dự án về “Cải thiện hiệu quả công tác cảnh báo lũ sớm và nâng cao năng lực ứng phó với lũ lụt của cộng đồng và doanh nghiệp tại TP Quy Nhơn” và “Nâng cao khả năng chống chịu với ngập lụt có sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng tại Cụm Công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn” qua thời gian triển khai, các cơ quan, đơn vị ở địa phương đã tích cực tham gia phối hợp, đóng góp ý kiến đối với các hoạt động nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án và đã hoàn thành các nội dung hoạt động. Tiếp đến, ông Vinh cũng đề nghị Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tại tỉnh, UBND thành phố Quy Nhơn, UBND các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và các đơn vị liên quan phối hợp với VCCI Đà Nẵng và Quỹ Châu Á tổ chức tiếp nhận các sản phẩm của dự án.
Cùng với đó là tiếp tục truyền thông sản phẩm của dự án để cơ quan, doanh nghiệp, người dân vùng dự án có thể tiếp cận sản phẩm dễ dùng, quản lý, phát huy tốt những thành quả mà dự án mang lại trên địa bàn. Đồng thời, trên cơ sở sử dụng thực tế, đề xuất nhân rộng mô hình của dự án hoặc đề xuất bổ sung, phát triển dự án.
“Trước tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu, nhu cầu triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, tôi rất mong Quỹ Châu Á, VCCI, các nhà tài trợ quan tâm phối hợp với tỉnh xây dựng các đề xuất dự án, hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh”, ông Vĩnh đề xuất.
Theo ông Nguyễn Trí Thanh, chuyên gia cao cấp Quỹ Châu Á, nguồn kinh phí để thực hiện dự án không nhiều nhưng cũng không ít, tuy nhiên kết quả đạt được hôm nay là những con số ấn tượng. Qua đó, dự án đã hỗ trợ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và địa phương trong việc giải quyết ngập lụt đô thị.
“Trong tương lai, những mô hình dự án như hiện nay chắc chắn sẽ được tiếp tục phát triển để các địa phương thực hiện. Thời gian qua, dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đơn vị thực hiện, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đã cùng nỗ lực vượt qua để đạt được kết quả như hiện tại”, ông Thanh nhìn nhận.
Nói về các khó khăn, ông Thanh cho hay dự án không xác định được các đối tượng ban đần tiếp cận dự án. Thứ hai, đây là dự án tiếp cận đa ngành, cần sự tham gia của nhiều đơn vị tại địa phương nên rất khó để tìm được mối liên kết.
“Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh, các phường nằm trong quy mô dự án đã cùng hỗ trợ, từ đó dự án đạt được kết quả như kỳ vọng. Cùng với đó, nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp, công đồng địa phương cũng đã được thổi lên góp phần thành quả của dự án”, ông Thanh nói.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị cần xây dựng kế hoạch và kinh phí để duy trì bền vững hạng mục tuyến kênh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả cơ chế đồng quản lý tuyến kênh.
Song song, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức định kỳ ngày vệ sinh, quản lý bảo vệ thiết bị. Hơn hết là duy tu, bảo dưỡng và đấu tranh với việc lấn chiếm vỉa hè.
Dự án Giải quyết ngập lụt đô thị thông qua các sáng kiến cộng đồng và đa thành phần tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Quỹ Châu Á được triển khai tại thành phố Quy Nhơn từ tháng 4/2022 và kết thúc vào cuối tháng 4/2023. VCCI Đà Nẵng là đơn vị tiếp nhận tài trợ, quản lý, điều phối và tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án. Mục tiêu tổng thể của Dự án là giảm ngập lụt đô thị thông qua cách tiếp cận đa ngành, chú trọng gắn kết sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung cải thiện hiệu quả công tác cảnh báo lũ sớm và nâng cao năng lực ứng phó, khả năng chống chịu với ngập lụt cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đặc biệt là khu vực trũng, thường xuyên chịu tác động bởi ngập lụt tại hai phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Dự án có 02 dự án thành phần (Tiểu Dự án) gồm Tiểu dự án “Nâng cao khả năng chống chịu với ngập lụt có sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn” và “Tiểu dự án “Cải thiện hiệu quả công tác cảnh báo lũ sớm và nâng cao năng lực ứng phó với ngập lụt cho cộng đồng và doanh nghiệp tại thành phố Quy Nhơn” Trong quá trình thực hiện, Dự án đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, hợp tác có hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân tại địa bàn triển khai Dự án. Sản phẩm của Dự án khá đa dạng từ những hạng mục công trình như nạo vét một phần tuyến kênh, khơi thông dòng chảy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tạo cảnh quan “xanh sạch đẹp” tại tuyến kênh dọc Cụm Công nghiệp Nhơn Bình. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng các cột mốc cảnh báo ngập dọc các tuyến đường thường xuyên bị ngập của hai phường Nhơn Bình, Nhơn Phú … đến những hạng mục mang tính chất phi công trình như hỗ trợ cải thiện phương thức truyền tin, nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo lũ sớm. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về cảnh báo sớm, quản lý rủi ro ngập lụt, quản lý rác thải cho người dân và doanh nghiệp. Song song, xây dựng cơ chế đồng quản lý tuyến kênh, hỗ trợ các thiết bị truyền tin để hai phường sử dụng trong công tác truyền tin cảnh báo sớm. Đồng thời, hỗ trợ máy bơm chống ngập và các thiết bị đi kèm cho CCN Nhơn Bình ứng phó với ngập lụt, hỗ trợ 01 tháp báo lũ thông minh cho phường Nhơn Phú… |
Có thể bạn quan tâm