Lập kế hoạch kinh doanh liên tục cho doanh nghiệp

TUẤN VỸ 16/05/2023 12:16

Với nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo chuỗi sản xuất, kinh doanh không đứt đoạn.

>>VCCI Đà Nẵng hỗ trợ Bình Định giải quyết ngập lụt đô thị

Sáng ngày 16/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức khóa tập huấn “Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh liên tục cho doanh nghiệp nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và dịch bệnh”. Thông qua khóa tập huấn, cộng đồng doanh nghiệp tích cực chủ động hơn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh, tránh đứt gãy sản xuất đối trước các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực.

Theo nhận định của VCCI Đà Nẵng, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) với các hiện tượng cực đoan như nhiệt độ tăng, hạn hán, nước biển dâng… làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, gia tăng tiêu thụ năng lượng, chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp.

a

Khóa tập huấn “Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh liên tục cho doanh nghiệp nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và dịch bệnh” do VCCI Đà Nẵng phối hợp với UNDP tổ chức sáng ngày 16/5 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp tại khu vực.

BĐKH cũng có tác động tiêu cực tới hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đê biển, hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao, các công trình cấp nước; cơ sở hạ tầng đô thị. Thiệt hại về kinh tế do BĐKH có thể lên tới khoảng 1,5% GDP mỗi năm tại Việt Nam và con số này có thể gia tăng trong tương lai nếu các thiên tai - hiện tượng cực đoan của BĐKH - diễn ra thường xuyên hơn và khả năng chống chịu, thích ứng với BKĐH của Việt Nam thiếu những cải thiện nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay khảo sát của VCCI năm 2020 về Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy có 54% doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có 51% năng suất lao động bị giảm do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu, 46% doanh nghiệp phản ánh về bị gián đoạn kênh vận chuyển, 44% tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

a

Tác động của biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, gia tăng tiêu thụ năng lượng, chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp.

“Các doanh nghiệp ở vùng Duyên hải Miền Trung đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và BKĐH lớn hơn so với các vùng còn lại. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành mà các doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất. Số ngày bị gián đoạn hoạt động trong năm của doanh nghiệp do tác động của BĐKH trung bình là 7 ngày, giá trị tổn thất trong năm qua thông thường là khoảng 20 triệu đồng/doanh nghiệp”, ông Tuân thông tin.

Cũng theo ông Hồ Anh Tuân, mặc dù có những tác động lớn đến hoạt động doanh nghiệp nhưng không nhiều doanh nghiệp xem xét, tích hợp việc thích nghi với BĐKH vào trong chiến lược kinh doanh của mình. Phần lớn các hoạt động của doanh nghiệp mang tính ứng phó hơn là có một chiến lược liên tục - không chỉ là phòng ngừa rủi ro, khắc phục sự cố mà còn khai thác, tận dụng các cơ hội có thể có từ BĐKH.

“Khi một doanh nghiệp xây dựng và minh bạch về kế hoạch kinh doanh liên tục có thích ứng với BĐKH đồng nghĩa với việc phát đi một thông điệp đến các bên liên quan rằng: Chúng tôi biết mình đang làm gì, chúng tôi có thể giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, và chúng tôi luôn sẵn sàng để phục vụ khách hàng. Đó chính là cơ sở cho niềm tin của khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan, là nền tảng cho một thương hiệu vững chắc, là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn”, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng khẳng định.

a

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay khảo sát của VCCI năm 2020 về Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy có 54% doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất kinh doanh.

Cùng trao đổi, ông Vũ Thái Trường, Quản lý dự án GCF – UNDP cho rằng việc nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp cũng như cũng như có kế hoạch kinh doanh liên tục hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại, tác động của các yếu tố rủi ro đến với doanh nghiệp.

Theo ông Trường, thống kê hàng năm các doanh nghiệp thường bị thiệt hại trực tiếp gồm nhà xưởng, cơ sở trang thiết bị, tài sản... Ngoài ra, còn có những tác động và tổn thất gián tiếp như đứt gãy đơn hàng, gián đoạn nguồn cung,... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hơn 2 năm như vừa qua, các doanh nghiệp đã phải chịu nhiều tác động to lớn bởi những đợt giãn cách xã hội.

“Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta hỗ trợ được doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần giảm bớt thiệt hại và tác động của rủi ro thiên tai và BĐKH. Theo kinh nghiệm của mạng lưới Cbi toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được tập huấn để lập kế hoạch kinh doanh liên tục ngay khi có thiên tai, dịch bệnh  sẽ giúp họ chủ động thích ứng và giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro từ đó đảm bảo cuộc sống tốt hơn”, ông Trường nêu vấn đề.

Tiến sĩ Hoàng Thị Ngọc Hà. Giám đốc Trung tân Phát triển cộng đồng sinh thái Ecode khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần đánh giá được tác động của thiên tai, dịch bệnh và mức độ thiệt hại tiềm ẩn. Đồng thời, nên phân tích nguyên nhân làm cơ sở đề xuất các phương án phù hợp.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định được các loại rủi ro cụ thể phải đối mặt. Thông qua đó, lồng ghép biên pháp ứng phó ưu tiên và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

“Để làm được việc đó, doanh nghiệp cận làm rõ những việc phải triển khai và khối lượng, xác định rõ thời gian triển khai và hoàn thnah, chi phí thực hiện. Ngoài ra, cần có trang thiết bị, phương tiện vật chất để triển khai ngay. Đặc biệt, cần có những đánh giá cụ thể về địa hình, môi trường và kinh tế xã hội, nguy cơ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và năng lực doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể”, Tiến sĩ Hà khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI hỗ trợ Vĩnh Phúc cải thiện môi trường đầu tư

    VCCI hỗ trợ Vĩnh Phúc cải thiện môi trường đầu tư

    11:28, 15/05/2023

  • Dự án giải quyết ngập lụt đô thị của VCCI Đà Nẵng đạt kết quả ấn tượng

    Dự án giải quyết ngập lụt đô thị của VCCI Đà Nẵng đạt kết quả ấn tượng

    14:06, 12/05/2023

  • Kỳ vọng vai trò kết nối trong góp ý chính sách của VCCI

    Kỳ vọng vai trò kết nối trong góp ý chính sách của VCCI

    01:52, 11/05/2023

TUẤN VỸ