Doanh nghiệp sản xuất cần một hệ thống CNTT tổng thể
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất bây giờ cần có một hệ thống hiện đại, xử lý phân tích dữ liệu dạng dữ liệu lớn thì mới đạt được hiệu quả thực sự.
>>Chuyển đổi số - giải pháp tạo đột phá cho doạnh nghiệp
Tại hội thảo “Công nghệ số & Phát triển bền vững cho doanh nghiệp sản xuất – Tối ưu hóa vận hành hoạt động sản xuất” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/05/2023, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh Hồ Chí Minh đánh giá:
“Tình hình doanh nghiệp trong thời gian vừa qua có rất nhiều khó khăn, nếu không thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thì chúng ta không thể hồi phục, phát triển bền vững trong thời gian sắp tới”.
Ông Liêm cho biết, thời gian vừa qua, các chỉ số, đặc biệt là những chỉ số liên quan tới sản xuất kinh doanh, là đáng báo động. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là tăng 7,8%. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 77 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 20,6% doanh nghiệp chế biến chế tạo gặp khó khăn trong quý tới, 23,4% doanh nghiệp chế biến chế tạo giảm.
Trong tình hình đó và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ thông tin đang phát triển trên toàn thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong vận hành, tối ưu hóa chi phí, tạo hiệu quả kinh doanh.
Công nghệ số có thể mang lại những lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất như: Tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ thiết kế, đặt hàng, nhập kho, gia công, lắp ráp, kiểm tra chất lượng đến giao hàng cho khách hàng; Tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực như máy bóc, thiết bị, nguyên liệu và nhân công để giảm lãng phí và tăng năng suất; Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng bằng cách tập trung vào chất lượng, tinh năng và trải nghiệm người dùng.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất bây giờ không giống như thời kỳ trước, không còn là những phần mềm nhỏ, mà cần có một hệ thống hiện đại, xử lý phân tích dữ liệu dạng dữ liệu lớn thì mới đạt được hiệu quả thực sự, bởi doanh nghiệp Việt bây giờ không chỉ kinh doanh ở thị trường Việt Nam, mà đã là toàn cầu”.
Theo ông Laveen Mansharamani, phụ trách bộ phận giải pháp phát triển bền vững của IBM, một hệ thống phần mềm quản trị tổng thể sẽ thay đổi hoàn toàn cách doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, từ thiết kế, triển khai xây dựng cho tới vận hành. Nhờ năng lực thu thập và xử lý dữ liệu, những hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được nguồn lực, tối ưu hóa được vận hành, giảm thiểu thời gian “chết”, hay tăng được kết quả công việc. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thực hiện được việc phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Khang, giám đốc khối phần mềm của IBM đánh giá, việc phát triển bền vững trong doanh nghiệp ở Việt Nam còn nhiều thách thức nhất định. Việt Nam đã đề ra khái niệm Công nghệ xanh (Green Technology). Thế nhưng thông thường các doanh nghiệp Việt Nam nhìn “Công nghệ xanh” vẫn là ở mức độ “tuân thủ”, và cho rằng cũng không cần ứng dụng. Tuy nhiên, bây giờ thì không thể tránh được việc phát triển bền vững. Ví dụ nếu một doanh nghiệp vải thiều tuân thủ phát triển bền vững thì giá vải xuất khẩu tăng lên gấp 10 lần so với thị trường nội địa. Ông Khang nhấn mạnh, việc tuân thủ đó có thể mất chi phí giai đoạn đầu nhưng bù lại là sự phát triển tốt.
Ông Khang đánh giá, lĩnh vực sản xuất là một trong những lĩnh vực đang chuyển đổi số chậm nhất ở Việt Nam. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy vì trong một nhà máy có tới hàng ngàn thiết bị, mà các thiết bị, tài nguyên sản xuất rất đắt tiền, nếu không được quản lý, theo dõi, bảo trì đúng cách, đúng hạn, thì chỉ cần một thiết bị ngừng hoạt động cũng sẽ gây ra thiệt hại rất lớn. Và để thực hiện được điều đó thì cần phải có một hệ thống công nghệ tổng thể.
>>Hải Phòng: Chuyển đổi số là động lực phát triển
Ông Phan Văn Thành, chuyên gia công nghệ IBM, nêu bật lên tính quan trọng của các thiết bị trong nhà máy. Theo định nghĩa của ông, các thiết bị sản xuất chính là một tài sản giá trị. Những tài sản này là đối tượng cần quản lý một cách chặt chẽ và có hệ thống, bởi vì có giá trị rất cao, vận hành liên tục, có quy trình bảo dưỡng bắt buộc.
Một doanh nghiệp sản xuất có thể có tới từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn đơn vị tài sản như vậy thì khó có thể quản lý một cách thủ công, bắt buộc phải có một hệ thống công nghệ. Hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành từ 15-50%, gia tăng thời gian hoạt động (uptime) tới 20%.
Có thể bạn quan tâm