Đà Nẵng tìm cách "vực dậy" chỉ số PCI
Đà Nẵng đã có đánh giá nguyên nhân việc tụt hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2022 so với các năm trước đó và đề ra giải pháp cải thiện.
>>"Lấy nỗi lo của doanh nghiệp là nỗi lo của VCCI"
Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, mặc dù Đà Nẵng nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu nhưng điểm số và thứ hạng đã có sự tụt giảm đáng kể so với năm 2021. Năm 2022, chỉ số PCI của Đà Nẵng đạt 68,52 điểm, xếp thứ 9 cả nước, giảm 1,9 điểm và giảm 5 bậc so với kết quả năm 2021. Đây cũng là vị trí xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây.
Kết quả cụ thể PCI năm 2022 cho thấy, Đà Nẵng có 06 chỉ số thành phần giảm điểm và 04 chỉ số thành phần tăng điểm. Đối với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, PCI Đà Nẵng có điểm số thấp hơn của thành phố Hải Phòng (70,76 điểm) nhưng cao hơn so với ba thành phố còn lại là Cần Thơ (66,94 điểm), Hà Nội (66,74 điểm) và thành phố Hồ Chí Minh (65,86 điểm).
Chỉ ra các nguyên nhân, về khách quan Đà Nẵng cho rằng trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường chưa hồi phục hoàn toàn ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và cảm nhận chung của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc trong năm 2022 gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
“Kết quả phân tích dữ liệu sâu hơn về đặc điểm của những doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu quyết toán thuế cũng cho thấy đây là các nhóm doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người nhìn chung gặp khó khăn nhiều hơn so với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Các quy định, thủ tục liên quan về việc kinh doanh có điều kiện đặc biệt trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy còn gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cụ thể như quy định về vật liệu xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về chống cháy nhưng việc giải thích các tiêu chí và làm thế nào để đạt tiêu chí lại không có hướng dẫn chi tiết, thậm chí không được triển khai trên thực tế”, TP Đà Nẵng nêu báo cáo.
Khó khăn trong thủ tục đất đai ngoài các nguyên nhân chủ quan thì bản chất liên ngành và liên cấp của lĩnh vực quản lý đất đai khiến đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất.
Đối với nguyên nhân chủ quan, tại lĩnh vực hất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn tình trạng người dân hoặc doanh nghiệp “vẫn phải đến trực tiếp bộ phận một cửa để công chức hướng dẫn, yêu cầu quét hồ sơ, tài liệu tại chỗ” dù thủ tục được tiến hành trực tuyến. Cùng với đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính vẫn làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
“Kết quả PCI 2022 cho thấy có 27,7% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật - xếp hạng 48/63 địa phương. Các chỉ tiêu về “Thời gian đăng ký doanh nghiệp - số ngày” mặc dù vẫn duy trì ở mức 10,5 ngày như năm 2021, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với mốc 6 ngày năm 2020”, Đà Nẵng thông tin.
Hiện nay, trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng báo cáo gặp vướng mắc lớn nhất đối với khâu chế độ hóa đơn, chứng từ thuế, tiếp sau là khâu quyết toán thuế. Đồng thời là chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm, tuy nhiên các hành vi cũng như tình trạng nhũng nhiễu trong thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực còn khá phổ biến như cấp phép kinh doanh có điều kiện, thanh, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, thanh, kiểm tra môi trường; quản lý thị trường...
Việc tiếp cận đất đai còn nhiều cản trở như thiếu thông tin, dữ liệu về đất đai, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn dài.
Tại buổi họp báo trước đó, ông Lê Minh Tường, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cũng đã thông tin về việc các doanh nghiệp tiếp cận thị trường khó khăn, nguyên nhân chính do các doanh nghệp đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng đầy đủ mới có thể gia nhập thị trường. Cùng với đó, sau dịch Covid-19, số lượng lao động của doanh nghiệp không ở lại địa phương đã gây ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và tuyển dụng của doanh nghiệp.
“Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng để hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội chung”, ông Lê Minh Tường nói.
Ngoài ra, ông Tường cũng cho rằng Đà Nẵng hiện nay vẫn gặp phải những khó khăn, trong đó nguồn lực của địa phương vẫn chưa được khơi thông khiến cho việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tập trung đầu tư. Song song là quỹ đất có quy mô lớn còn thiếu và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, làm cơ sở để thu hút đầu tư.
Để cải thiện thứ hạng PCI, Đà Nẵng Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và tính chủ động của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố trong việc thực hiện các chức năng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm sớm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào hoạt động. Các cơ quan, địa phương tiếp tục tích cực triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng chính thức Bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư vào thành phố Đà Nẵng. Các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Song song là tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến kết luận thanh tra,vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục đầu tư (đặc biệt vướng mắc liên quan đến đất đai, các dự án bất động sản, đô thị). Hoàn thiện thủ tục đầu tư và đưa vào sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghiệp phục vụ xúc tiến đầu tư,...
Có thể bạn quan tâm