Còn nhiều dư địa hợp tác chuyển đổi xanh giữa Việt Nam - Đan Mạch
Trao đổi với đại diện Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định mong muốn và triển vọng mạnh mẽ trong hợp tác chuyển đổi xanh cho nền kinh tế giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Ngày 12/7, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (DI) do bà Bente Toftkær, Giám đốc DI tại Ấn Độ, dẫn đầu đến thăm và làm việc. Tại cuộc gặp, hai bên đã đề cập tới triển vọng hợp tác giữa DI và VCCI liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, đặc biệt là Sáng kiến kinh doanh quốc gia (NBI) và dự án Hợp tác chuyển đổi năng lượng (JETP) mà DI đang triển khai.
>>>Trách nhiệm xã hội là nhân tố để doanh nghiệp phát triển bền vững
Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với các nội dung của dự án do DI chủ trì, cho rằng bản thân VCCI cũng rất quan tâm đến các vấn đề chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Không chỉ có các văn phòng về phát triển bền vững, VCCI còn là đơn vị chủ trì hai chỉ số quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ chỉ số Xanh (Green Index).
Trao đổi với bà Toftkær, lãnh đạo VCCI cho biết triển vọng hợp tác của VCCI và DI trong lĩnh vực chuyển đổi xanh là rất lớn. Các dự án của DI có thể phù hợp với hoạt động của các hiệp hội thành viên của VCCI trên toàn quốc, trong các lĩnh vực chủ chốt như điện tử, CNTT, thủy sản, lương thực.
Với sự hỗ trợ về kĩ thuật và nguồn vốn từ Đan Mạch, các sáng kiến này hoàn toàn có tính khả thi, để sau khi áp dụng hiệu quả ở các Hiệp hội này có thể mở rộng áp dụng rộng hơn tại Việt Nam. Trong đó, VCCI sẽ có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ các Hiệp hội ngành.
Ông Phạm Tấn Công bày tỏ mong muốn cùng DI hợp tác, học hỏi lẫn nhau, cho rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt được thành tựu như hiện tại là do có chung mục tiêu hướng tới các hoạt động chung vì xã hội và cộng đồng.
Hiện Đan Mạch là một đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu và khu vực Bắc Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 600 triệu USD và Đan Mạch đã vươn lên vị trí thứ 3 trong các nước đầu tư vào Việt Nam năm 2022 với dự án Nhà máy Lego trị giá 1 tỷ USD, đưa tổng số vốn đầu tư của Đan Mạch đạt 1,78 tỷ USD.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục là một quốc gia đối tác quan trọng của chính phủ Đan Mạch trong hợp tác về các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.
>>CSI- công cụ quản trị doanh nghiệp bền vững
Đại diện phía DI, bà Bente Toftkær rất vui mừng trước triển vọng hợp tác giữa hai đơn vị, qua đó khẳng định DI là một tổ chức đặt mục tiêu cao về phát triển bền vững. Hiện nay DI đang triển khai một số dự án về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh ở các nền kinh tế lớn như Ấn Độ. Đồng thời, qua buổi làm việc này, bà Bente Toftkær cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong vấn đề này với Việt Nam.
Theo bà Toftkær, DI rất quan tâm tới vấn đề Chuyển đổi Xanh ở Việt Nam. Với thế mạnh của doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực này, DI tự tin có thể giúp Việt Nam, mà đặc biệt là VCCI, trong xây dựng các mô hình hợp tác công tư, cũng như có các khuyến nghị cho Việt Nam hỗ trợ cho việc triển khai mục tiêu chuyển đổi xanh.
Lãnh đạo DI cho biết DI và VCCI có nhiều điểm tương đồng về mặt tổ chức, hoạt động, văn hoá, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong thời gian tới, đặc biệt là trong thương mại và phát triển bền vững tại Việt Nam. Bà cho biết không chỉ doanh nghiệp Đan Mạch, mà chính phủ cũng như đại sứ quán Đan Mạch cũng rất quan tâm đến vấn đề này và sẽ có nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Vào năm 2021, Việt Nam và Đan Mạch đã kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua hơn nửa thế kỷ, tới nay quan hệ 2 nước đã trở nên ngày càng gắn kết và bền chặt trên cơ sở tình cảm hữu nghị, chân thành và chia sẻ lợi ích chung. Quan hệ Đối tác toàn diện mà hai nước đang có là nền tảng cho quan hệ cho hợp tác trên nhiều mặt, như năng lượng, y tế, nông nghiệp, giáo dục, mà đặc biệt trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Chính phủ Đan Mạch cam kết từ năm 2023 sẽ dành ít nhất 1 tỷ USD cho các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên, cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Có thể bạn quan tâm