VCCI-HCM: Kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD của ngành dệt may
Triển lãm đầu tiên chuyên ngành về vải, nguyên phụ liệu vừa chính thức khai mạc tại TP. HCM, quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
>>>Ba vấn đề cốt lõi để dệt may cán đích xuất khẩu 40 tỷ USD
Sáng ngày 26/7, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm quốc tế vải & máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp may 2023 (SaigonFabric Summer 2023).
Đây là triển lãm đầu tiên chuyên ngành về vải, nguyên phụ liệu được tổ chức ở TP. HCM, với diện tích trưng bày hơn 8.000m2, quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lễ khai mạc có sự tham dự của bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng các đại diện các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Thương vụ và nhiều quan khách khác.
Theo Bộ Công Thương, trong 2 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 và các biến động địa chính trị trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt trên 40,4 tỷ USD, năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD, xuất siêu 18,9 tỷ USD. Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 68-70 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay với bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nhiêu liệu.
Để khắc phục những khó khăn này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Dệt may “mở lối” từ thị trường xuất khẩu
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI HCM - đánh giá, thời gian vài năm gần đây là giai đoạn có rất nhiều khó khăn và thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác lớn của Việt Nam, đang tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh. Đơn giá xuất khẩu của dệt may Việt Nam bị định giá thấp hơn so với các năm trước.
Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe của các nhãn hàng, như giảm giá sản phẩm, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh hay chất lượng đòi hỏi cao hơn. Song ông vẫn tin tưởng ngành Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 45 tỷ USD cho năm 2023.
Giám đốc VCCI-HCM cho biết: “Để thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp Dệt may trong thời gian tới, ngoài việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau thì việc kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu là điều rất cần thiết”.
Ông tin rằng Triển lãm là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt cũng như nước ngoài để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị tiên tiến cho ngành. Đồng thời đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi tìm hiểu nhu cầu hợp tác kinh doanh, phát triển sản xuất.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas và ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Vinatex thay mặt các doanh nghiệp tiếp thu các ý kiến về các giải pháp phát triển dệt may để đạt được mục tiêu kỳ vọng đặt ra trong thời gian tới.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ: “Triển lãm Quốc tế Vải, Nguyên phụ liệu và Máy móc thiết bị ngành May 2023 (SaigonFabric Summer 2023) là Triển lãm đầu tiên về Vải và nguyên phụ liệu, tiếp nối thành công của Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu 2023. Hy vọng trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội, kết nối giao thương được nhiều đối tác uy tín giúp cho các doanh nghiệp có nhiều giải pháp, tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu nhằm bắt kịp sự phát triển xu hướng thời trang thế giới, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu”.
Tại buổi lễ, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas cũng cho biết, ngành Dệt May Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu giảm 17% so với cùng kỳ 2022. Dự kiến, tháng 7/2023 xuất khẩu đạt 4 tỷ USD. Triển lãm SaigonFabric Summer 2023 là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nguyên phụ liệu mới, giúp cho ngành Dệt May Việt Nam đạt được mục tiêu và kỳ vọng mà Chính phủ đã đặt ra trong chiến lược phát triển giai đoạn 2030 – 2035.
Triển lãm SaigonFabric Summer 2023 với sự góp mặt của gần 300 nhà cung cấp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Hongkong, Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam với những sản phẩm và dịch vụ mới sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, tại triển lãm SaigonFabric Summer 2023, lần đầu tiên sẽ có khu “Made in Vietnam” riêng biệt với hơn 100 công ty giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu của Việt Nam. Khu “Business Matching” với 60 gian hàng để kết nối giao thương giữa các nhà cung ứng, các nhãn hàng và người mua hàng tiềm năng tại Việt Nam như Gap, Puma, Nike, Adidas, Decathlon, PVH (Tommy Hilfiger, Calvin Klein…), Colombia, H&M, Li & Fung, Asmara, Centric… Triển lãm mở cửa từ 26-19/7/2023.
Có thể bạn quan tâm