Gia Lai: Công bố chỉ số DDCI, bàn giải pháp khắc phục PCI, PGI
Ngày 17/8, tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Bộ chỉ số DDCI và kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).
>>Hải Dương cải thiện chỉ số PCI như thế nào?
Nhìn tổng thế, các bộ chỉ số đã có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên một số chỉ số thành phần vẫn cần phải cải thiện để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Chỉ số PCI của tỉnh Gia Lai năm 2022 đạt 64 điểm đứng thứ 45/63 tỉnh thành, xếp thứ 4 của khu vực Tây Nguyên (giảm 2 bậc so với năm 2021). Chỉ số xanh PGI của tỉnh Gia Lai đạt 13,52 điểm, thấp hơn 1,18 điểm so với điểm trung vị, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước.
Bộ chỉ số DDCI năm 2022 của tỉnh Gia Lai được khảo sát đã dự trên kết quả thực hiện ở 35 đơn vị cấp huyện và cấp sở, ngành. Tám chỉ số thành phần được đơn vị khảo sát đưa ra là tính minh bạch, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu. Xét về tổng thể, các doanh nghiệp của tỉnh nhìn chung có những đánh giá khá tích cực về năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và cấp huyện trong năm 2022. Sự đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp vừa là sự động viên các sở, ban, ngành và cấp huyện về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong năm qua. Đồng thời cũng là một áp lực cho các đơn vị sẽ phải tiếp tục nỗ lực để duy trì xu hướng cải thiện trong những năm tiếp theo.
Kết quả khảo sát cũng ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp như “Lãnh đạo cấp huyện chưa giải quyết nhanh chóng và triệt để các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp”, bên cạnh đó còn “Tồn tại hiện tượng cấp trên bảo cấp dưới không nghe diễn ra trong đơn vị”.
Các đơn vị chưa được doanh nghiệp đánh giá cao so với các đơn vị khác ở nhóm sở, ban, ngành là Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên - Môi trường với điểm số lần lượt là 67,57 điểm, 67,56 điểm và 67,02 điểm. Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022 có điểm trung vị là 6,52 điểm, giảm 0,09 điểm so với năm trước. Có 10/17 huyện, thị xã giảm điểm ở chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhóm sở, ban ngành có chỉ số DDCI cao là Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ba địa phương có chỉ số DDCI cao của tỉnh Gia Lai là thành phố Pleiku, thị xã An Khê và huyện Đức Cơ. Các chỉ số thành phần của Thành phố Pleiku đều được đánh giá tương đối tốt trong cấp huyện, trong đó nổi bật là các chỉ số tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Trong khi đó thị xã An Khê lại có chỉ số thành phần nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp như tính năng động, chi phí thời gian và vai trò người đứng đầu.
>>Thanh Hóa: Chỉ khi “trên dưới đồng lòng” chỉ số PCI mới được nâng cao
Đối với các bộ chỉ số được công bố tại hội nghị, đại diện các Sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân của tỉnh Gia Lai cũng đã đưa ra những tham luận, giải trình, đóng góp ý kiến những giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần.
Ông Hồ Anh Tuân - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay “các chỉ số tuy có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm tới chúng tôi kiến nghị 4 giải pháp như sau: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ cải thiện chi phí thời gian. Thứ hai chú trọng thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các đơn vị tại tỉnh. Thứ ba là tăng cường cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, phổ biến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp định đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thứ tư là chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Trương Hải Long cho hay “để khắc phục những điều này, tôi giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện các chỉ số DDCI, PCI, PGI những năm tiếp theo. Các sở, ngành, địa phương cần lưu ý một số nội dung, chú ý những chỉ số như thực hiện công khai minh bạch thông tin theo đúng quy định, đảm bảo đầy đủ, chính xác và kịp thời. Khẩn trương xác định giá đất, triển khai các thủ tục đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng, đấu giá tài sản công đối với các dự án còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo các điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã. Chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định. Thiết lập đường dây nóng, công khai số điện thoại của lãnh đạo hoặc bộ phận tiếp nhận để xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời. Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực thi công vụ. Thiết lập các kênh liên thông thống nhất trong quy trình xử lý hồ sơ giữa các sở, ngành. Công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp.
Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai như một lời hứa với người dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giúp cải thiện môi trường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ở địa phương./.
Có thể bạn quan tâm
VCCI - 60 năm tự tin tiến bước, kiến tạo giá trị
18:28, 03/08/2023
VCCI: Quy định tỷ lệ sở hữu tối đa ngân hàng không thực sự phát huy tác dụng
11:00, 03/08/2023
Tiếp bước truyền thống 60 năm của VCCI
10:51, 03/08/2023
Thanh Hóa: Chỉ khi “trên dưới đồng lòng” chỉ số PCI mới được nâng cao
07:44, 13/07/2023
Tuyên Quang: Bàn giải pháp nâng cao Chỉ số PCI
15:40, 10/07/2023
DDCI - Động lực giúp Vĩnh Phúc nâng cao Chỉ số PCI
08:08, 10/07/2023