Nhận diện để thích ứng với thỏa thuận xanh EU
Để duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững, việc tìm hiểu, theo dõi và thích ứng với các chính sách Thỏa thuận Xanh EU là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam…
>> Phúc lợi tốt cho lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Theo đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tìm hiểu, tuân thủ và thích ứng với các tiêu chuẩn xanh trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU, với sự hỗ trợ của Viện FNF (CHLB Đức), sáng 16/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo: “Thoả thuận xanh EU - tác động tới xuất khẩu Việt Nam - những điều doanh nghiệp cần biết”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI – Nguyễn Quang Vinh cho biết, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh”, đang và sẽ là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.
Thỏa thuận Xanh là Gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh đang và sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.
“Là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu, EU trước nay luôn nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại có thể làm suy giảm tạm thời cầu ở thị trường này, EU vẫn là thị trường rất tiềm năng với xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12.6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung đi tất cả các thị trường (10,5%). Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh, việc tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam để duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trường EU nói riêng và nhiều thị trường khác cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.
Một Khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thỏa thuận Xanh hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai Thỏa thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này.
Trong khi đó, không ít các chính sách xanh của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã được ban hành, hoặc đang dự thảo và sẽ được thông qua trong thời gian tới đây. Ví dụ, với nông sản thực phẩm là Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với một loạt chính sách thắt chặt việc sử dụng nông hóa phẩm, bao bì đóng gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc xanh của sản phẩm nhập khẩu. Với nhóm hàng hóa chế biến chế tạo (như điện tử, công nghệ thông tin, nhựa, dệt may…), Kế hoạch hành động về Kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập. Đó là chưa kể tới các chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU như Quy định về Chống phá rừng - EUDR (áp dụng cho cà phê, ca cao, gỗ…), hay Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới - CBAM nhằm vào sắt thép, nhôm, xi măng...
“Danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh EU đến năm 2050 của EU, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030”, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có hiểu biết đầy đủ, chính xác về Thỏa thuận Xanh EU và những ảnh hưởng cụ thể của các chính sách xanh EU tới xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, VCCI đã triển khai rà soát, tổng hợp, xây dựng Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam”.
Tại Hội thảo, đại diện ban soạn thảo, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI đã trình bày Báo cáo nhằm thông tin rộng rãi về các nội dung quan trọng được nhận diện như: về cấm nhập khẩu một số loại nông sản từ đất phá rừng (EUDR), về yêu cầu khai báo và nộp thuế phát thải carbon đối với sắt thép nhập khẩu (CBAM), về giảm hạn mức dư lượng kháng sinh, chất tồn dư tối đa trong thực phẩm nhập khẩu,...
Đặc biệt, tại phiên thảo luận, Hội thảo cũng lắng nghe các chuyên gia khách mời và các đại biểu chia sẻ, trao đổi về thực tiễn của doanh nghiệp và những vấn đề cần chú ý trong việc thực hiện chuyển đổi xanh trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi EU và mở rộng ra là các thị trường xuất khẩu phát triển khác.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero.
00:03, 16/11/2023
Doanh nghiệp cần đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi sản xuất xanh
01:15, 29/10/2023
Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”
11:08, 17/03/2023
Tiêu dùng và sản xuất xanh cần chuyển biến cùng “nhịp”
14:00, 13/09/2022
Phát triển rừng và chế biến gỗ bền vững thông qua "sản xuất xanh"
16:08, 12/08/2022