5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019

Theo Autopro 10/01/2020 11:33

Vượt qua năm 2018 nhiều khó khăn, rào cản, thị trường ô tô Việt Nam bước vào 2019 với rất nhiều sự thay đổi, từ doanh số tới giá bán, lắp ráp tới nhập khẩu...

Những trật tự được thay đổi

Mitsubishi Xpander là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi nói về doanh số bán hàng ô tô trong năm vừa qua. Mẫu MPV tạo cú bứt phá về doanh số chưa từng có tại Việt Nam trước đó. Trong 2 tháng liên tiếp, Mitsubishi Xpander bán vượt "ông vua" Toyota Vios để trở thành xe bán chạy nhất, với doanh số kỷ lục tháng lên tới gần 2.700 chiếc. Cũng nhờ sự tăng trưởng nóng này mà Xpander lật đổ Innova, giành danh hiệu "vua doanh số" MPV trong năm 2019.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 2.

Xpander là điểm sáng của thị trường ô tô năm qua.

Tuy không tạo cú hích lớn như Mitsubishi Xpander nhưng Honda CR-V cũng là một trong những mẫu xe thay đổi trật tự phân khúc trong năm qua. Bước qua một năm 2018 với rào cản nhập khẩu là Nghị định 116, Honda CR-V đã nhanh chóng ghi điểm với khách hàng trong nước với nguồn cung dồi dào và giá bán thực tế rẻ hơn đáng kể so với trước đó. Minh chứng rõ ràng đến từ lượng xe bán ra, khi mẫu xe Nhật bán vượt người đồng hương Mazda CX-5 sau 5 năm liền xếp sau, với khoảng cách doanh số ngày càng nới rộng, lên tới hơn 3.000 chiếc.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 3.

CR-V bất ngờ "bứt tốc" bán vượt CX-5 sau 5 năm chịu xếp dưới.

Hyundai Kona là mẫu xe thứ 3 lần đầu đứng top phân khúc về doanh số. Mẫu xe này cũng ra mắt vào năm 2018 như CR-V nhưng đến năm 2019 mới thực sự bùng nổ. Duy trì đà tăng trưởng tốt, Kona trở thành SUV hạng B bán chạy nhất Việt Nam, lật đổ ngôi vị trước đó được EcoSport nắm giữ trong hơn 5 năm. Doanh số bán hàng của Kona gần gấp đôi EcoSport.

Ngoài ra, trên thị trường còn nhiều mẫu xe khác tuy không đứng top 1 nhưng vẫn để lại dấu ấn trong năm 2019 nhờ sức bán tăng gấp nhiều lần so với năm 2018, điển hình là Ford Everest và Subaru Forester. Những mẫu xe này đều được điều chỉnh về trang bị và giảm giá tới trên dưới nửa tỷ đồng.

Cuộc "chiến" của xe nhập khẩu và lắp ráp

"Vượt rào" Nghị định 116, xe nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam trong năm 2019. Hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu nội khối còn 0%, xe nhập khẩu không chỉ nhiều về lượng mà còn đa dạng về mẫu mã. Ngay từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019 (giữa 2 kỳ triển lãm ô tô lớn nhất), nhiều xe mới ra mắt khách hàng Việt ở đa dạng phân khúc, như Toyota Wigo, Rush, Avanza, Honda Brio, Accord, Nissan Terra, Mitsubishi Xpander, Triton, Subaru Forester... Một số mẫu xe còn được chuyển đổi từ lắp ráp sang nhập khẩu như Mazda2 hay Toyota Camry. Những xe này được nhập từ Thái Lan và Indonesia.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 4.

Nhiều xe nhập khẩu mới về.

Tuy nhiên, xe lắp ráp đang rục rịch lấy lại vị thế trên thị trường. Đối với những mẫu xe bán chạy, các hãng đều có kế hoạch đã và đang nội địa hoá dần. Fortuner là mẫu xe đầu tiên được chuyển từ nhập khẩu Indonesia sang lắp ráp tại Việt Nam. Mẫu xe tiếp theo sẽ là Xpander, bắt đầu từ tháng 5/2020. Escape 2020 lắp ráp hứa hẹn sẽ ra mắt ngay trong năm nay, có thể vào quý IV. "Ông vua" mới của phân khúc crossover hạng C là Honda CR-V cũng được cân nhắc lắp ráp trong nước.

Hai ông lớn lắp ráp ô tô là TC Motor và THACO tiếp tục tăng cường tỷ lệ nội địa hoá ô tô tại Việt Nam. Mục tiêu của 2 doanh nghiệp này không chỉ để hưởng những ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện mà còn để xuất khẩu xe sang nước ngoài. Hiện tại, THACO đã bắt đầu xuất khẩu ô tô du lịch gồm các mẫu như Kia Cerato, Sedona và xe buýt sang Myanmar, Thái Lan hay Philippines.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 6.

Xe lắp ráp cũng đang trên đà được thúc đẩy, đặc biệt còn xuất đi quốc tế.

Theo giới chuyên gia, chính phủ vẫn đẩy mạnh ưu tiên xe nội. Nghị định 116, Nghị định 125 hay những đề xuất bởi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đều mang tính ủng hộ xe lắp ráp trong nước. Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% hay miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước là những ưu đãi điển hình để thúc đẩy nội địa hoá ô tô. Hơn nữa, dòng ô tô điện lắp ráp trong nước cũng được Bộ Tài chính dự định miễn thuế nhập khẩu linh kiện trong thời gian tới.

Cuộc đua trang bị trên mọi dòng xe

Sau khi đã ổn định về nguồn cung ô tô trên thị trường, các hãng xe bắt đầu tìm hướng đi mới để hút khách. Một trong những cách mà nhiều hãng áp dụng trong năm qua là bổ sung trang bị cho xe. Các hãng xe Nhật từng được gắn với hình ảnh "cắt trang bị" nay đã phải thay đổi chiến lược. Điển hình là mẫu xe Toyota Vios bản 2020 đang sở hữu nhiều tính năng bậc nhất phân khúc, trong khi một thời được gọi là "thùng tôn di động".

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 7.

Mẫu xe "quốc dân" Vios cũng phải theo xu hướng cập nhật công nghệ.

Quay trở lại cuối năm 2018, VinFast mới là hãng xe tiên phong trong việc đưa rất nhiều trang bị lên một mẫu xe. Fadil sở hữu những tính năng an toàn hàng đầu phân khúc. Lux A2.0 và Lux SA2.0 cũng là xe nhiều trang bị nhất khi so với các sản phẩm cùng tầm giá đến từ các thương hiệu lớn của Nhật, Hàn Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng, chính VinFast đã tạo ra một áp lực vô hình tới các hãng khác, buộc họ phải thay đổi để duy trì thị phần trên thị trường. Điều này không chỉ có lợi cho những khách hàng sở hữu xe VinFast mà nhờ đó, những người tiêu dùng còn hoài nghi về ô tô VinFast cũng gián tiếp được hưởng lợi từ khi các dòng xe của hãng này ra mắt.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 9.

VinFast Lux là dòng xe có khá nhiều trang bị hiện đại trong tầm giá.

Cũng nhờ "cuộc chiến trang bị" mà VinFast khơi mào mà người mua xe trong nước quan tâm hơn tới các tính năng và trang bị an toàn của một chiếc ô tô. Xe không chỉ phục vụ các nhu cầu di chuyển đơn thuần, che mưa, che nắng, mà còn cần phải an toàn. Fadil với điểm an toàn 4 sao, Lux A2.0 và Lux SA2.0 với điểm an toàn 5 sao cao nhất ASEAN NCAP là những ví dụ điển hình.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 10.

Những tiêu chuẩn an toàn được đặt lên hàng đầu.

Giá xe liên tục lập đáy mới

Chưa năm nào các hãng xe tung ra thị trường nhiều ưu đãi và đa dạng chương trình giảm giá xe như năm 2019. Có những mẫu xe giảm giá hàng trăm triệu đồng, liên tục trong nhiều tháng liền. Toyota - hãng xe từng "chỉ tăng giá chứ không giảm" - đã giảm tới hơn 100 triệu đồng cho các mẫu xe ăn khách như Innova và Fortuner. Ở phân khúc xe sang, BMW và Audi cũng giảm giá xe tới hơn 300 triệu đồng. Gần như hãng nào cũng giảm giá xe, liên tục thiết lập đáy giá mới trên thị trường.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 11.

Xe Đức, Nhật, Hàn... đều giảm giá sâu.

Khi thị trường đã bão hoà với các chương trình giảm giá đơn thuần, VinFast mở lối đi riêng bằng những cách thức khác nhau. Mặc dù giá VinFast Lux tăng dần năm 2019 nhưng trên thực tế, chi phí sở hữu xe mà người tiêu dùng bỏ ra thấp hơn đáng kể. Giá bán xe ra thị trường của VinFast đã không tính lãi, không tính chi phí tài chính và khấu hao. Người mua xe còn nhận được những voucher giảm giá lên cả trăm triệu đồng để mua chiếc xe tiếp theo. VinFast còn là hãng đầu tiên tìm khách hàng cũ để tặng quà, với giá trị cao nhất lên tới 200 triệu đồng. Chương trình trả góp lãi suất 0% trong 2 năm của VinFast cũng là một cách giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp sản phẩm này hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Giảm giá mạnh cận Tết, Yamaha Exciter 'đánh phủ đầu' Winner X

    Giảm giá mạnh cận Tết, Yamaha Exciter 'đánh phủ đầu' Winner X

    16:34, 09/01/2020

  • Ảnh thực tế Kia Seltos - đối thủ Honda HR-V và Ford EcoSport có thể về Việt Nam

    Ảnh thực tế Kia Seltos - đối thủ Honda HR-V và Ford EcoSport có thể về Việt Nam

    15:08, 09/01/2020

  • Tăng giá mạnh đầu năm, vì đâu Honda Vision vẫn hút khách Việt?

    Tăng giá mạnh đầu năm, vì đâu Honda Vision vẫn hút khách Việt?

    15:38, 08/01/2020

  • Ô tô Suzuki 7 chỗ phiên bản mới đẹp long lanh, giá chỉ từ 231 triệu đồng

    Ô tô Suzuki 7 chỗ phiên bản mới đẹp long lanh, giá chỉ từ 231 triệu đồng

    09:04, 08/01/2020

Cũng giống như "cuộc chiến trang bị", những người am hiểu thị trường đều có chung nhận định, chính lối đi riêng trong chiến lược bán hàng của hãng xe Việt đã phả hơi nóng vào các thương hiệu xe hơi khác, buộc các hãng này phải điều chỉnh chính sách giá "tăng theo nhu cầu" đã duy trì lâu nay. Có thể không hoàn toàn được lợi về doanh số, nhưng cách làm này của VinFast đã tạo nên một trật tự mới trên thị trường ô tô, mang lại quyền lợi thực chất cho khách hàng Việt.

5 bước ngoặt lớn trên thị trường ô tô Việt Nam 2019 - Ảnh 12.

VinFast đi theo con đường giảm giá kiểu khác để thu hút khách mới.

Linh kiện, phụ tùng chính hãng lần đầu được công khai giá

"Mỗi đại lý báo giá một kiểu, không có sự đồng nhất," anh Phú, một chủ xe Mazda3, bày tỏ sự hoang mang khi chuẩn bị làm bảo hiểm cho chiếc xe. Việc loạn giá linh kiện, phụ tùng tại đại lý không chỉ là mối lo ngại của Phú mà còn nhiều chủ xe khác. Đặc biệt với những dòng xe sang tiền tỷ, giá có thể chênh lệch tới hàng triệu đồng giữa các nơi.

VinFast là hãng xe đầu tiên công bố giá linh kiện, phụ tùng ô tô. Bảng giá phụ tùng tất cả chi tiết của các mẫu Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 đều được thống kê và người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm trên trang web của VinFast. Với bảng giá này, các đại lý cũng phải bán phụ tùng với đúng giá niêm yết chính hãng. Nhờ đó, việc loạn giá phụ tùng tại các đại lý VinFast-Chevrolet sẽ không xảy ra.

Đây là áp lực vừa vô hình vừa hữu hình để những tình trạng "chém giá" phụ tùng, nhất là đối với các dòng xe sang từng khiến cộng đồng "toát mồ hôi" khi nhìn thấy các bảng báo giá.

Những cuộc chiến và áp lực như vậy đang tạo ra cuộc ganh đua quyết liệt và đầy hấp dẫn trên thị trường ô tô Việt, mở ra một trang mới tươi sáng hơn cho năm 2020, mà ở đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo Autopro