Ngành ô tô khó khăn, xin giảm sản lượng để hưởng ưu đãi thuế, không thành
Trong lúc doanh nghiệp ô tô gặp khó khăn, xin giảm sản lượng tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, nhưng đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.
>>Giảm giá "đến chết", “cuộc chiến” trên thị trường ô tô cuối năm
Kiến nghị không được ủng hộ
Ngày 25/9/2023, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xin giảm sản lượng tối thiểu cho chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện. Theo VAMA, do những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế và kinh tế trong nước từ đầu năm 2023 đến nay, khiến các doanh nghiệp ô tô gặp khó khăn, doanh số bán giảm mạnh và đứng trước nguy cơ không đạt điều kiện về sản lượng tối thiểu. Như vậy, sẽ không được hoàn thuế nhập khẩu linh kiện, với những mẫu xe tham gia chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện của Chính phủ. Qua đó, VAMA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời điều chỉnh giảm sản lượng tối thiểu tại chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện của năm 2023 và 2024. Tỷ lệ xin giảm là 34%.
Trước đó, vào tháng 5 và tháng 6/2023, VAMA cùng UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Công thương, Kế hoạch Đầu tư, đề nghị xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm sản lượng tối thiểu tại chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, tương đương với mức sụt giảm của thị trường ô tô.
Tuy nhiên, trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP mới đây, Bộ Tài chính đã bác bỏ kiến nghị của VAMA và UBND tỉnh Hải Dương. Theo Bộ Tài chính, điều kiện về sản lượng xe tối thiểu được hưởng ưu đãi thuế là quan trọng và tiên quyết, để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng, đầu tư quy mô sản xuất, không thể giảm.
Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, được Chính phủ áp dụng từ đầu năm 2018, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô, nhập khẩu những linh kiện trong nước chưa sản xuất được, với thuế suất 0%. Tuy nhiên, các mẫu xe tham gia chương trình này phải đạt điều kiện về sản lượng mới được hoàn thuế. Theo quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, với ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tham gia chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện năm 2023, phải đạt sản lượng chung tối thiểu kỳ xét ưu đãi 6 tháng là 11.500 chiếc và sản lượng riêng một mẫu xe là 4.500 chiếc; với kỳ 12 tháng sản lượng chung tối thiểu phải đạt là 23.000 chiếc và sản lượng riêng một mẫu xe là 9.000 chiếc. Việc chọn kỳ xét ưu đãi 6 tháng hay 12 tháng, tùy thuộc vào các doanh nghiệp.
Báo cáo bán hàng của VAMA tháng 10/2023 cho thấy, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường, tính đến hết tháng 10/2023 giảm 29% so với 2022. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 139.244 chiếc, giảm 27% so với cùng kỳ 2022. Dù được Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, nhưng doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn giảm sâu. Hiện nay xe tồn kho của các doanh nghiệp rất cao. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành ô tô kể từ năm 2008 đến nay.
Theo dự báo, khó khăn còn kéo dài sang cả năm 2024. Sẽ có nhiều mẫu xe không đạt sản lượng tối thiểu 4.500 chiếc/6 tháng và 9.000 chiếc/12 tháng, nên không được hoàn thuế nhập khẩu linh kiện. Khi không được hoàn thuế nhập khẩu linh kiện, cộng vào chi phí, sẽ đẩy giá thành tăng, càng khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn. Vì vậy, mới xin Chính phủ điều chỉnh giảm sản lượng tối thiểu xuống.
Công nghiệp ô tô mãi không lớn
>>Thu nhập thấp, giá bán cao, ước mơ ô tô xa tầm với
Ngay từ năm 2018, VAMA đã kiến nghị bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện cho tất cả các nhà sản xuất ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Chương trình yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết, để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia phải đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức Việt (tp Hồ Chí Minh), để có ngành công nghiệp ô tô, trước hết phải có lắp ráp, sau đó tiến tới đẩy mạnh sản xuất nội địa hóa. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa, cần phải dựa vào sản lượng lớn. Theo tính toán, muốn phát triển sản xuất, một mẫu xe cần đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm trở lên. Cho đến hiện nay, chưa có mẫu xe nào lắp ráp tại Việt Nam đạt tới sản lượng này cả.
Mẫu xe có sản lượng lớn nhất là Toyota Vios, thời kỳ đỉnh cao đạt 33.000 chiếc/năm nhưng sau đó không tăng trưởng nữa mà thụt lùi, giảm dần xuống dưới 30.000 chiếc/năm và năm nay ước tính chỉ còn hơn 10.000 chiếc/năm. Cũng tương tự như vậy là mẫu Hyundai Accent, cách đây 3 năm đạt đỉnh 22.000 chiếc/năm, nhưng sau giảm dần, giờ xuống dưới 20.000 chiếc/năm. Hiện tại, hầu hết các mẫu xe đủ điều kiện của chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, chỉ đạt sản lượng từ 9.000 đến dưới 20.000 chiếc/năm. Sản lượng này chỉ đủ để duy trì lắp ráp xe mà không đủ hấp dẫn để thúc đẩy nội địa hóa.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, quy mô thị trường và sản lượng lớn mới là các yếu tố chủ chốt, quyết định đến nội địa hóa và sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Tại Việt Nam thuế phí quá cao, đẩy giá bán xe tăng cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, khiến cho quy mô thị trường và sản lượng ô tô “lớn” rất chậm. Khi thị trường và sản lượng còn chưa đủ lớn, cần có ưu đãi mạnh mẽ cho sản xuất và khuyến khích tiêu dùng. Quy định phải đạt sản lượng tối thiểu mới được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội mua ô tô giá rẻ sắp hết?
04:14, 24/11/2023
Ô tô “chạy lướt”, mới đi hơn 3.000 km, rao bán lỗ 400 triệu đồng
04:21, 23/11/2023
Ô tô tồn kho giảm giá 800 triệu đồng, xả hàng cuối năm
04:01, 22/11/2023
Ô tô giảm giá quá nhanh, mua sớm thiệt trăm triệu, khách hàng cay đắng
04:47, 20/11/2023
Thuế, phí cao cản trở người Việt mua ô tô hiện đại và an toàn
04:31, 16/11/2023
Ô tô cũ 70 triệu đồng rao bán nhan nhản, mua về vừa lái vừa run
04:13, 08/11/2023