Luật cạnh tranh 2018: Lạm dụng vị trí thống lĩnh độc quyền sẽ bị xử lý

Khắc Lãng 15/09/2018 11:57

Luật cạnh tranh 2018 có hiệu lực tháng 7/2019 được kỳ vọng tạo lập hành lang pháp lý thống nhất để nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn với hành vi phản cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN.

Ing Phùng Văn Thành, Phòng điều tra vi phạm pháp chế đang giới thiệu về những quy định mới trong việc kiểm soft hành vi hạn chế cạnh tranh và trong kiểm soft tập trung kinh tế.

Ông Phùng Văn Thành, Phòng điều tra vi phạm pháp chế giới thiệu về những quy định mới trong việc kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh và trong kiểm soát tập trung kinh tế.

Hội thảo "Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng" nằm trong khuôn khổ Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform), Cục Canh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức Hội thảo tuyên truyền phổ biến Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018. Dựa trên những kinh nghiệm của Australia và sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Reform, Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018 đã có nhiều quy định mới trong việc kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh và trong kiểm soát tập trung kinh tế.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, khác với Luật cạnh tranh 2004, Luật cạnh tranh 2018 có nhiều điểm mới phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế, xã hội.

Trước hết, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, thay vì chỉ điều chỉnh các hành vi phát sinh tại Việt Nam như trước, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, không phân biệt hành vi này được thực hiện trong hay ngoài nước.

Bà Trần Phương Lan, Phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng dẫn chứng, khi Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Big C tại Việt Nam, giao dịch này đã khiến các đơn vị cung cấp sản phẩm đầu vào cho hệ thống Big C rất quan ngại. Cơ quan cạnh tranh cũng nhận thấy, đây là thương vụ tiềm ẩn vấn đề về cạnh tranh, nhưng do giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam nên với quy định của pháp luật (Luật cạnh tranh 2004) lúc đó cơ quan cạnh tranh không thể vào cuộc xử lý.

Hay việc "bắt tay" nâng cước phí vận tải biển, việc thỏa thuận để nâng giá thuốc tân dược một cách bất hợp lý... Theo bà Lan, do Luật Cạnh tranh 2004 chưa có các quy định để xử lý các vụ việc có dấu hiệu tương tự được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên các cơ quan chức năng không thể vào cuộc điều tra được. Tuy nhiên, với Luật cạnh tranh 2018 tất cả những hiện tượng, hành vi tương tự sẽ được xử lý theo đúng pháp luật.

Một điểm mới nữa, Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung thêm tiêu chí xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Cụ thể, để phản ánh đúng thực lực cạnh tranh khi xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, bên cạnh tiêu chí thị phần, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm tiêu chí sức mạnh thị trường đáng kể. Đặc biệt, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi cách tiếp cận trong kiểm soát tập trung kinh tế.

Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 chỉ cấm tập trung kinh tế khi hành vi này gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Điều này khác với trước đây, khi Luật Cạnh tranh 2004 ghi nhận việc cấm tập trung kinh tế chỉ trên cơ sở mức thị phần kết hợp.

Tạo cơ sở pháp lý chắc chắn

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, quyền Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, luật mới đã chuyển đổi cách tiếp cận nên còn mới mẻ với doanh nghiệp trong áp dụng thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam. Ông cũng đề cao tính tự giác của doanh nghiệp. Trong cộng đồng doanh nghiệp, có sự cạnh tranh, có đối thủ cạnh tranh và sẽ có khiếu kiện. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý để thực hiện đúng, không trái quy định của Luật, tránh chuyện vô tình bị khiếu nại.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Cạnh tranh 2018: Khi tư duy kinh tế kết hợp cùng tư duy pháp lý

    Luật Cạnh tranh 2018: Khi tư duy kinh tế kết hợp cùng tư duy pháp lý

    11:00, 03/09/2018

  • Luật Cạnh tranh 2018: Kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và pháp lý

    Luật Cạnh tranh 2018: Kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và pháp lý

    17:35, 28/06/2018

  • Luật Cạnh tranh 2018- hoàn thiện hành lang kinh tế thị trường

    Luật Cạnh tranh 2018- hoàn thiện hành lang kinh tế thị trường

    19:24, 17/06/2018

  • Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

    Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

    09:08, 12/06/2018

"Luật không hề cấm các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh độc quyền, chỉ khi họ lạm dụng vị trí này gây tác động bất lợi tới hoạt động trên thị trường khi đó mới coi là vi phạm Luật Cạnh tranh”, ông Tân nhấn mạnh.

Chia sẻ câu hỏi về việc áp dụng Luật cạnh tranh 2018 trong vụ Grab mua lại Uber, bà Lan cho biết, hiện đang trong quá trình điều tra chính thức. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh 2004, thời gian điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra chính thức (18/5/2018). Vì vậy đến 18/11/2018 là kết thúc điều tra chính thức. Sau khi kết thúc thời gian điều tra chính thức, Cục sẽ chuyển hồ sơ vụ việc báo cáo điều tra và kết luận điều tra lên Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo quy trình tố tụng của Luật cạnh tranh 2004.

Tuy nhiên, nếu đến thời điểm Luật cạnh tranh 2018 có hiệu lực mà vụ việc này vẫn chưa kết thúc thì theo điều 118 (Điều khoản chuyển tiếp của Luật cạnh tranh 2018) vụ việc sẽ tiếp tục xem xét giải quyết trong 2 trường hợp. Thứ nhất, nếu hành vi vi phạm đang bị điều tra xử lý nhưng được xác định là không vi phạm quy định Luật cạnh tranh 2018 thì được đình chỉ điều tra xử lý. Có nghĩa là, khi đó sẽ đánh giá tác động theo quy định của Luật cạnh tranh 2018 để xem xét có vi phạm hay không. Trường hợp 2, nếu được xác định vi phạm quy định của Luật cạnh tranh 2018 thì tiếp tục điều tra, xử lý khiếu nại theo quy định Luật cạnh tranh 2018.

Bà Lan cũng cho biết thêm, tất cả những vụ việc như ấn định giá vận tải tàu biển, giá thuốc tân dược... khi Luật cạnh tranh 2018 có hiệu lực (1/7/2019) thì sẽ quay lại thời hiệu khiếu nại và thời hiệu tự khởi xướng vụ việc vi phạm quy định của Luật cạnh tranh là 3 năm. Vậy tính từ thời điểm 1/7/2019 ngược lại 3 năm nếu phát hiện hành vi đó vẫn đang được thực hiện sẽ được xử lý theo Luật cạnh tranh 2018.

Khắc Lãng