Khoảng trống pháp lý vay ngang hàng
Mới đây, sự kiện hàng loạt Công ty vay ngang hàng ở Trung Quốc sụp đổ, ngành công nghiệp 192 tỉ USD của nước này chao đảo chính là lời cảnh báo rõ rệt nhất đối với Việt Nam.
Tại Việt Nam, mô hình P2P (Peer to Peer - P2P Lending) mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng thu hút được rất đông người tham gia. Các khẩu hiệu như “Vay tiền nhanh trong 30 phút mà không cần gặp mặt”, “Đầu tư lãi suất 20%/năm” là những quảng cáo hấp dẫn của Cty cho vay ngang hàng... Thậm chí, một số công ty cho vay trực tuyến với lãi suất 39%/năm.
Chưa có cơ sở pháp lý cho P2P
Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này, nên khi tranh chấp xảy ra, bị xù nợ, công ty phá sản… rủi ro là cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Mọi quan hệ cho vay vẫn áp dụng theo Bộ luật Dân sự.
Khi quảng cáo mức lãi suất cho vay 39%/năm, chiếu theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì doanh nghiệp cho vay trực tuyến đã vi phạm pháp luật về lãi suất. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Thêm vào đó, Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định lãi suất cho vay gấp 5 lần mức lãi suất mà Luật Dân sự 2015 quy định thì bên cho vay đã cấu thành tội cho vay nặng lãi và sẽ bị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư. Đã đầu tư là phải chịu rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là mất tiền. Chưa kể, bên cạnh những công ty cho vay ngang hàng hoạt động đúng mô hình kinh tế sẽ có một số công ty lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo.
Các công ty P2P chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết.
Nếu những người này không có khả năng trả nợ họ có thể bị người cho vay dùng những biện pháp qua công ty môi giới để thu hồi nợ một cách không chính thống, mang tính ép buộc hay đe doạ... Rủi ro lớn nhất của mô hình P2P là lãi suất cao và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu sức ép lớn khi bị đòi nợ. Nếu các công ty P2P chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết.
Nhưng nếu công ty P2P tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng mới được huy động và cho vay vốn. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
"Chìa khóa" mở cho vay ngang hàng
17:10, 05/09/2018
Rủi ro tiềm ẩn từ cho vay ngang hàng
11:01, 29/07/2018
Có nên nhân rộng P2P?
Công bằng mà nói mô hình P2P trên thế giới có nhiều ưu điểm vì nó tận dụng được khả năng công nghệ thông tin như khả năng phân tích, sử dụng dữ liệu lớn để kết nối người cho vay và đối tượng đi vay, nếu triển khai mô hình này tại Việt Nam, có thể giảm được việc cho vay tín dụng đen hiện nay và cũng giảm được việc vỡ hụi, họ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, do đây là hình thức kinh doanh mới, vì vậy, trong giai đoạn này, khi chưa có hành lang pháp lý, hoạt động này rất dễ biến tướng tại Việt Nam. Có thể có những đối tượng xấu, lợi dụng mô hình mới và chào mời với mức lãi suất cao cho nhà đầu tư, sau đó có thể “biến mất”. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, chỉ nên tìm hiểu mô hình, còn việc xuống tiền thì chưa nên.
Còn đối với người đi vay, cần cảnh giác với mô hình này, vì rất có thể là hình thức cho vay theo kiểu xã hội đen biến tướng với lãi suất cao, và khi người đi vay bị lún sâu vào, sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng tài chính của cá nhân và gia đình.