Khoảng trống pháp lý các dự án xây dựng - chuyển giao

Huyền Trang - thực hiện 14/10/2018 11:10

“Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp “triệt để” để giải quyết các bất cập của các dự án BT ở thời điểm hiện tại”.

Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Ở Việt Nam, đầu tư dự án được ưa chuộng nhất là theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) mà biểu hiện cụ thể là các dự án “đổi đất lấy hạ tầng”. Ông có đánh giá như thế nào về loại hình đầu tư này?

Bên cạnh ý nghĩa tích cực, BT (xây dựng-chuyển giao) từng được dư luận cảnh báo theo chiều tiêu cực, cho rằng đó là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực và tham nhũng.

Nhưng ở góc độ của mình, tôi muốn đánh giá tổng quát hơn. Trước hết, về mặt chính sách, Việt Nam đang tập trung quá lớn các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chiếm tới 5.7% GDP, ở mức độ cao nhất Đông Nam Á. Xin chưa bàn tới hiệu quả của chính sách này, theo đó các tác động tích cực vẫn chưa thấy đối với nền kinh tế và đời sống xã hội như chi phí dịch vụ logistics vẫn rất cao, thời gian dành cho lưu thông do tắc đường quá dài, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng...

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, trong khi các cấp các ngành vẫn muốn đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả công viên, nhà hát, tượng đài và thậm chí cả trụ sở cơ quan, nhưng lại thiếu nguồn vốn ngân sách, thì liệu có phương cách nào khác nếu không bám lấy và tiếp tục níu kéo loại hình BT?
Đơn giản là loại hình đầu tư này rất tiện lợi cho nhiều phía: Chính quyền phê duyệt nhanh vì coi đó là nguồn vốn xã hội hoá lại giúp có điểm cộng về thành tích GDP, ngân hàng cho vay yên tâm có ngay tài sản an toàn để bảo đảm, chủ đầu tư thì dễ kiếm lời bằng đầu cơ đất và ngay cả người dân nói chung, trừ đối tượng bị tác động trực tiếp do thu hồi đất, cũng hoan nghênh khi thấy bộ mặt địa phương thay đổi tích cực. Các hậu quả được gọi là tiêu cực, bao gồm cả thất thoát tài sản nhà nước và hiệu quả đầu tư kém hay thiếu giá trị lan toả, lại chỉ mang tính gián tiếp và đến sau đó khi nhiệm kỳ của cấp lãnh đạo phê duyệt dự án đã qua rồi. Do đó, tôi muốn nói rằng, nếu cái động cơ của chính sách phát triển theo hướng này không thay đổi thì quả thật, khó có cách nào khác đề chúng ta tạm biệt hay thậm chí hạn chế các dự án BT.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án BT sẽ được tính giá đất như thế nào?

    Dự án BT sẽ được tính giá đất như thế nào?

    08:41, 06/10/2018

  • Bộ Tài chính nói gì về việc chậm ban hành Nghị định về thanh toán dự án BT?

    Bộ Tài chính nói gì về việc chậm ban hành Nghị định về thanh toán dự án BT?

    02:47, 06/10/2018

  • Quảng Nam: Thực hiện các dự án BT là theo nhu cầu của địa phương

    Quảng Nam: Thực hiện các dự án BT là theo nhu cầu của địa phương

    16:43, 25/09/2018

  • Ai “tiếp tay” cho dự án BT?p/Kỳ cuối: Giải pháp nào hiệu quả?

    Ai “tiếp tay” cho dự án BT? Kỳ cuối: Giải pháp nào hiệu quả?

    14:15, 14/09/2018

  • Ai “tiếp tay” cho dự án BT? (Kỳ 2): Quảng Nam hào phóng

    Ai “tiếp tay” cho dự án BT? (Kỳ 2): Quảng Nam hào phóng

    11:01, 08/09/2018

  • Ai tiếp tay cho dự án BT? kỳ I: Công ty

    Ai tiếp tay cho dự án BT? kỳ I: Công ty "con cưng", ưng chi được nấy!

    11:05, 06/09/2018

  • Ai tiếp tay cho dự án BT lấy hàng trăm ha đất phân lô bán nền?

    Ai tiếp tay cho dự án BT lấy hàng trăm ha đất phân lô bán nền?

    10:32, 04/09/2018

  • Vì sao TP Vinh tạm dừng toàn bộ dự án BT?

    Vì sao TP Vinh tạm dừng toàn bộ dự án BT?

    11:00, 10/08/2018

- Nhiều quan điểm cho rằng “lỗ hổng” của pháp luật về BT đã trở thành nguyên nhân chính làm thất thoát tài sản Nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?

Nói một cách cụ thể, trong câu chuyện BT, người ta đã chỉ ra những khiếm khuyết của cả Luật Đất đai lẫn các Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư liên quan đến việc sử dụng quỹ đất hay thủ tục phê duyệt dự án và chỉ định thầu.

Nhưng theo tôi, có một nguyên tắc cao nhất đã được quy định ở nhiều luật khác nhau rằng chính quyền phải hành xử có trách nhiệm trong bảo vệ tài sản nhà nước, bảo đảm tính minh bạch và giải trình, sự trong sạch không tham nhũng thì lại không được tuân thủ. Nên nhớ trong một nhà nước pháp quyền, doanh nghiệp và người dân không bao giờ được coi là có tội nếu tận dụng các “lỗ hổng” của pháp luật để làm lợi cho mình, còn chính quyền thì ngược lại. Lý do bởi pháp luật là do chính quyền tạo ra, do đó nếu nó sai hay có khiếm khuyết thì chính quyền không thể vì thế mà có thể khai thác cho lợi ích của riêng mình.

  Một chính sách có sai hay khiếm khuyết thì hãy ban hành một chính sách mới, đúng đắn để thay thế, trong đó phải tính đến và dám chấp nhận cả độ trễ của thực thi cái mới lẫn hậu quả từ cái cũ đã xảy ra.

Còn tình trạng các cấp chính quyền, đặc biệt ở địa phương, vẫn tìm cách biện hộ cho cái sai bằng việc chứng minh sự tuân thủ các quy trình và thủ tục thì xin thưa, đó chính là sự mất kỷ cương nội bộ cả về chính trị và hành chính. Hay nói cách khác, đó là hiện tượng cấp nọ đối phó với cấp kia dẫn tới đổ lỗi vòng quanh và khi không đổ lỗi được thì gán tội cho pháp luật.

- Đối với việc xác định cách tính giá đất của các dự án BT, hiện tại, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Ở góc nhìn này, tôi cho rằng, chúng ta cần lưu ý 2 vấn đề sau. Đó là, tình trạng thứ nhất, các chủ đầu tư BT sử dụng cơ chế “lấy mỡ nó rán nó”, tức sử dụng quyền sử dụng đất được cấp để thế chấp vay vốn, sau đó lại tìm cách sử dụng vốn đầu tư để làm các công trình nhất định có tác dụng sẽ làm tăng giá đất ở khu vực có dự án hoàn vốn của mình đã được phê duyệt. Như vậy là xung đột về lợi ích.

Thứ hai, người dân bị thu hồi đất để làm dự án được đền bù rất thấp và họ sẽ chịu thiệt thòi trong khi chủ đầu tư lại kiếm lời lớn, như thế là không công bằng. Cuối cùng, đối với các dự án BT mà cả mục tiêu và phương thức của nó đã được các chủ đầu tư thiết kế từ đầu thì tính hiệu quả cho lợi ích công cộng thường rất thấp, thậm chí không có gì.

Do đó, tôi xin không đề xuất giải pháp cụ thể gì cho vấn đề tính giá đất mà chỉ mong muốn chính quyền thực hiện cơ chế công khai, minh bạch cho các dự án BT, thông qua vừa tham vấn người dân vừa giải trình đối với họ, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hoà giữa cả chủ đầu tư, người bị tác động và lợi ích công cộng.

- Mới đây, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT. Đây có phải là giải pháp “triệt để” để giải quyết các bất cập của dự án BT ở thời điểm hiện tại ?

Đây đương nhiên là giải pháp không triệt để. Tôi không bao giờ tán thành cơ chế tạm hoãn hay thí điểm trong ban hành và thực thi chính sách.

Về khách quan, điều này phản ánh sự bất lực hơn là thận trọng. Vấn đề là sự tác động của cơ chế đó sẽ như thế nào? Hầu như bất kỳ chính sách nào cũng hướng đến người dân và doanh nghiệp làm đối tượng thực thi và chịu sự tác động. Vậy, doanh nghiệp và người dân sẽ ứng phó thế nào khi lập kế hoạch cũng như xử lý các vấn đề phát sinh từ hoạt động kinh doanh và đời sống của họ một khi không thể trông cậy vào sự nhất quán và ổn định của môi trường chính sách vĩ mô?

Do vậy, nếu cho rằng một chính sách có sai hay khiếm khuyết thì hãy ban hành một chính sách mới, đúng đắn để thay thế, trong đó phải tính đến và dám chấp nhận cả độ trễ của thực thi cái mới lẫn hậu quả từ cái cũ đã xảy ra. Nhiệm vụ này không đơn giản nhưng trong bối cảnh của thời đại mới này, các cơ quan lập chính sách buộc phải tự nâng cao năng lực để có thể đảm nhiệm. Một giải pháp cho các dự án BT, theo tôi không nên nhất thời và vụn vặt, hơn thế, nó cần được đặt trong việc xem lại một cách tổng thể chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm với các giải pháp tài chính chuyên nghiệp. Bởi nên nhớ, “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” vốn đã từng và vẫn luôn luôn là giải pháp tình thế chứ không dựa trên cơ sở lý luận nào cả.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang - thực hiện