Lợi dụng chủ trương phát triển nhanh đô thị, hàng loạt dự án BT tại tỉnh Quảng Nam được chính quyền địa phương ưu ái bất thường cho một số doanh nghiệp “con cưng”.
Một điều khá bất thường là không hiểu bằng cách nào mà một công ty lập dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đồng ý phê duyệt làm 1,9 km với chi phí đầu tư lên đến 69,3 tỷ đồng. Để có được con đường ngắn này, Quảng Nam đã hào phóng giao 105,39 ha đất cho doanh nghiệp "con cưng" này phân lô bán nền thu hồi vốn.
Đổi 174,89 ha "đất vàng" làm 2,546 km đường
Để có được những tuyến đường ngắn được đầu tư tại Khu Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chính quyền địa phương đã phải đổi hàng trăm ha đất mà theo đánh giá của các nhà kinh tế là "sự đổi chác có qua có lại".
Đáng quan tâm là câu chuyện đầu tư BT tại 2 tuyến đường đang được xây dựng theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) có chiều dài 2,546 km nhưng nguồn vốn đầu tư lên đến 97,3 tỷ đồng.
Để có được 2 tuyến đường ngắn này, chính quyền địa phương đã phải trả cho nhà đầu tư hơn 174,89 ha đất tại khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc nằm phía nam cách TP. Đà Nẵng chưa quá 10 phút đi ô tô mà giới kinh doanh bất động sản gọi là đất vàng đất bạc và luôn khát thèm.
Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết ngay tại Thị xã Điện Bàn hiện có hàng trăm dự án khai thác qũy đất cần phải rà soát để chấn chỉnh tránh gây thất thoát nguồn thu ngân sách.
Công ty "con cưng", ưng chi được nấy!
Theo hồ sơ được ký kết, ngày 26-2-2016, Ban quản lý Phát triển Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, đã giải thể đầu năm 2018) và Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt (gọi tắt là Công ty Bách Đạt, đóng tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ký hợp đồng thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT 603 với ĐT 607 (thuộc phường Điện Ngọc) theo hình thức BT.
Tổng chiều dài tuyến đường là 1,9 km, được xây dựng với thiết kế đường đô thị tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104-2007, mặt cắt đường rộng 20 m. Tổng vốn đầu tư của tuyến đường này hơn 69,3 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư do chính quyền địa phương chi trả).
Đầu tư BT tại 2 tuyến đường đang được xây dựng theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) có chiều dài 2,546 km nhưng nguồn vốn đầu tư lên đến 97,3 tỷ đồng khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi.
Theo hồ sơ phê duyệt, để xây dựng tuyến đường 1,9 km này nhà đầu tư là Công ty Bách Đạt tính toán chi phí xây dựng hơn 50,1 tỉ đồng, chi phí thiết bị hơn 13 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án gần 800 triệu đồng, chi phí tư vấn đầu tư hơn 2,4 tỉ đồng, chi phí khác hơn 1,8 tỉ đồng, chi phí dự phòng hơn 7,6 tỉ đồng, lãi vay hơn 6,5 tỉ đồng.
Để có được 1,9 km đường, tỉnh Quảng Nam cam kết giao cho Công ty Bách Đạt 6 dự án với tổng diện tích 105,39 ha đất ngay tại Khu Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc nằm cách TP. Đà Nẵng khoảng 10 phút đi ô tô.
Trong hợp đồng nêu rõ, Công ty Bách Đạt sử dụng phần vốn hơn 13,8 tỉ đồng (20% tổng mức đầu tư dự án) của mình để giải ngân trong giai đoạn đầu thực hiện dự án (không tính lãi vay). Số tiền 55,5 tỉ còn lại nhà nước phải trả lãi từ thời điểm doanh nghiệp bỏ vốn ra để thực hiện công trình cho đến khi quyết toán với lãi vay 10% (ước tính tiền lãi hơn 6,5 tỉ đồng).
Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra 20% kinh phí, số còn lại được huy động hay vay vốn đã có nhà nước trả lãi thay. Đây là điều ưu ái quá bất thường với một doanh nghiệp, mà nói theo nhiều người dân địa phương là sự trao đổi "đĩa mắm trao qua, đĩa cà trao lại".
Nhưng người dân địa phương khẳng định sự trao đổi với dự án này không còn xem là đĩa mắm hay đĩa cà. Mà là đĩa vàng đĩa bạc trao qua trao lại liệu có quá lắm chăng?!
Có thể bạn quan tâm
15:05, 02/08/2018
13:23, 05/05/2018
14:00, 16/11/2017
Trong hợp đồng cũng nêu rõ thời gian thực hiện dự án là 730 ngày kể từ ngày công ty Bách Đạt được bàn giao mặt bằng sạch để thi công. Tuy nhiên, thời điểm này đã quá hạn nhưng 1,9 km đường vẫn còn dở dang. Nguyên nhân được cho là do địa phương chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng một số đoạn cho nhà đầu tư.
Đến thời điểm này, mặc dù công trình chưa hoàn thành nhưng Công ty Bách Đạt An (đơn vị được Công ty Bách Đạt chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư dự án trên) đã nhận đất phân lô bán nền các khu đất mà doanh nghiệp này được tỉnh Quảng Nam giao để đổi lấy 1,9 km đường. Mặc dù tuyến đường đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Theo một số người môi giới, thời điểm này, đất tại dự án Khu đô thị 7B (tên thương mại Vision City, tên gọi khác Sentosa City) – một trong 6 dự án được tỉnh Quảng Nam cam kết giao cho Công ty Bách Đạt sau khi phân lô đã được bán với giá từ 1-3 tỉ đồng/lô.
Với quy mô 29,8 ha, nếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 30% diện tích, thì diện tích còn lại 70%. Còn theo thiết kế trên diện tích đất được giao này, đất giành cho công cộng 0,6 ha, đất công viên cây xanh 5,2 ha, đất tiện ích là 4 ha. Như vậy doanh nghiệp này phân lô bán nền gần 20 ha. Hiện diện tích đất này đã được phân lô bán nền với mức giá 1-3 tỷ đồng/lô tùy theo diện tích. Thì chỉ riêng khu đất vàng đất bạc này đã đem lại cho công ty này hàng trăm tỷ đồng. Một hợp đồng BT quá béo bở mà chỉ có doanh nghiệp này mới có được.
Vậy có hay không việc chính quyền địa phương ưu ái cho một số doanh nghiệp qua các dự án BT này? Câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Trong nhiều ngày qua, PV Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã liên lạc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để tìm câu trả lời. Thế nhưng, hầu hết lãnh đạo đều cáo bận và không trả lời.
Còn người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam Văn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đang chờ báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về các dự án đầu tư BT trên địa bàn tỉnh.