Đề nghị không đặc xá tội phạm ma túy, đánh bạc

Nguyễn Việt 07/11/2018 15:06

Đây là kiến nghị của ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) diễn ra ngày 7/11.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)Cần bổ sung đối tượng là tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề xuất cần bổ sung đối tượng là tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá.

Theo ĐBQH Ma Thị Thúy, trong điều điều kiện để hưởng đặc xá cần bổ sung thêm việc yêu cầu người được đặc xá viết cam kết chấp hành pháp luật để khi ra ngoài xã hội không tái vi phạm pháp luật.

Bổ sung đối tượng bị truy nã bị bắt không được đặc xá

“Cần bổ sung đối tượng là tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá. Loại tội phạm ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm khác. Khả năng hoàn lương của các đối tượng này khi trở về địa phương rất thấp. Sau khi trở về địa phương thường gây mất trật tự, an ninh tại nơi cứ trú. Bên cạnh đó, những trường hợp tái phạm sau khi đặc xá chủ yếu tập trung vào số đối tượng này dù trong thời gian chấp hành án họ có thể cải tạo tốt”, bà Thúy kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐBQH đề nghị mở rộng đối tượng được xét đặc xá

    ĐBQH đề nghị mở rộng đối tượng được xét đặc xá

    11:21, 07/11/2018

  • Không thể “phó mặc” người được đặc xá cho địa phương

    Không thể “phó mặc” người được đặc xá cho địa phương

    05:02, 07/11/2018

  • Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi): Đại biểu tranh luận về điều kiện hưởng đặc xá

    Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi): Đại biểu tranh luận về điều kiện hưởng đặc xá

    13:42, 11/06/2018

Đồng thời theo bà Thúy nên bổ sung thêm một số đối tượng vào diện không được đề nghị đặc xá là phạm nhân đã bị truy nã loại nguy hiểm trở lên mà không tự ra đầu thú, bị bắt. Bởi việc bổ sung này là cần thiết nhằm phân hóa nhóm phạm nhân này với những phạm nhân khác nhằm đảm bảo công bằng cho những người có án phạt tù có ý thức chấp hành án tốt đồng thời làm thay đổi nhận thức của các đối tượng bị truy nã ra đầu thú để hưởng khoan hồng, góp phần ngăn ngừa tội phạm.

Nhắc đến việc luật yêu cầu người được đặc xá phải đảm bảo điều kiện chấp hành nộp các khoản án phí thì mới được hưởng đặc xá, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, nên cân nhắc vấn đề này. Bởi nhiều người nghèo, gia đình không có tiền nhưng bản thân họ lại cải tạo tốt, lập công lớn. Song vì không có tiền nên không đủ điều kiện để xét đặc xá. Cho nên cần quy định người nghèo nhưng thực hiện cải tạo tốt vẫn được đề nghị gửi hồ sơ lên Chủ tịch nước xét duyệt đặc xá.

Cấm đưa hối lộ, gây nhũng nhiễu trong hoạt động đặc xá

ĐBQH Trần Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng, nhà nước cần có chính sách vận động giúp đỡ để người được đặc xá có thể tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó cần quy định cấm việc lạm dụng chức quyền, quyền hạn để đưa người không đủ điều kiện đặc xá vào danh sách đặc xá, cũng như có hành vi cản trở  gây khó khăn đối với người đủ điều kiện đặc xá, nhất là việc đưa hối lộ, hay nhũng nhiễu trong hoạt động đặc xá.

Theo ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), cần trao cơ hội để người được đặc xá trở về với cuộc sống đời thường, xây dựng con người có ích cho xã hội chứ không đơn giản chỉ là tha tù mà tạo điều kiện thuận lợi cho tái hòa nhập cộng đồng, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Hiện một số quy định tại Nghị định 145, hay Luật Thi hành án hình sự cũng chưa quy định rõ vấn đề này. “Do đó khi sửa Luật thi hành án hình sự cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan để người được đặc xá trở thành người có ích cho xã hội”, bà Trang kiến nghị.

Trong khi đó, ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) cho biết, hiện quy định các ngày lễ lớn trong Nghị định 145 của Chính phủ, nhưng các sự kiện trọng đại và trường hợp đặc biệt về lý do đối ngoại chưa có quy định. Bên cạnh đó, cần cân nhắc trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi, hay như có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú vì dễ bị lạm dụng trong thực tiễn.

Theo ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), luật có quy định đối tượng được đặc xá là người có công với cách mạng, có huy chương kháng chiến chống Mỹ, cha mẹ vợ chồng người có công với cách mạng, con của bà mẹ việt nam anh hùng. Tuy nhiên những đối tượng này đã nằm trong Pháp lệnh người có công, trong đó quy định 12 đối tượng người có công với cách mạng. Cho nên luật chỉ cần dẫn theo pháp lệnh người có công. Ông Thân cũng cho rằng, Viện kiểm sát có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các hoạt động đặc xá tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên Viện kiểm sát chỉ được quyền kiến nghị là chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm. Do đó cần trao cho Viện kiểm sát quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đặc xá thì Viện có thẩm quyền kháng nghị.

Nguyễn Việt