Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi): Đại biểu tranh luận về điều kiện hưởng đặc xá

Diendandoanhnghiep.vn Tại phiên thảo luận sáng nay (11/6) về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận về điều kiện hưởng đặc xá.

Một trong những điều kiện để phạm nhân được đặc xá quy định tại điều 10 dự thảo Luật: "Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá".

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 11/6.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, giá trị của đặc xá với tính chất là ân huệ đặc biệt được hiến định thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhà nước có gì khác biệt so với hình thức khoan hồng khác. Ví dụ miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vấn đề này chưa được thuyết minh làm rõ trong tờ trình cũng như tài liệu khác.

Theo khái niệm đặc xá nêu tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật giá trị của đặc xá đối với người được nhận ân huệ này là tha tù trước thời hạn. Như vậy, đặc xá chỉ tác động đến chấp hành phần hình phạt chính trong bản án đã tuyên không làm thay đổi hình phạt bổ sung.

Đại biểu Hiền đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm vấn đề này đặc biệt với người bị tuyên một số hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân vì các lý do sau:

Thứ nhất, tỷ lệ 57% người được đặc xá có việc làm và thu nhập ổn định phần nào cho thấy con đường hoàn lương không dễ dàng. Thực tế không ít doanh nhân, những nhà quản lý, người có chuyên môn sâu vướng vào vòng lao lý từ chính kinh nghiệm phải trả giá bằng những năm tháng mất tự do họ có khao khát được làm lại cuộc đời nhưng khi được đặc xá rồi cơ hội mưu sinh phấn đấu của họ tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Theo đại biểu Hiền, dù được tự do nhưng hòa nhập cộng đồng thực sự chỉ đến với họ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung để được xóa án tích và cấp phiếu lý lịch tư pháp có giá trị che giấu án tích khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Cần thấy rằng các hình phạt bổ sung này tác động và để lại hậu quả khác nhau đối với người ở những độ tuổi khác nhau.

“Việc sửa đổi quy định về đặc xá cần bảo đảm mối tương quan giữa thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, tránh tạo ra khả năng lạm dụng chính sách nhân văn của nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng để củng cố giá trị nhân văn của chính sách khoan hồng đặc biệt này. Việc mở rộng giá trị của đặc xá bao gồm cả xem xét, miễn nhiệm giảm một số hình phạt bổ sung nhằm tiếp lửa một cách thực chất cho con đường hoàn lương của những người thực sự xứng đáng được đặc xá rất cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo”. – đại biểu Hiền nêu ý kiến.

Thứ hai, nếu coi đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt chỉ dành cho những người thực sự ăn năn hối cải, có thành tích tốt, đã chứng minh được sự tiến bộ của mình trong quá trình chấp hành án và việc đưa họ quay lại hòa nhập cộng đồng không ảnh hưởng gì đến an ninh, trật tự xã hội thì việc xem xét miễn, giảm hoặc giảm thời gian chấp hành các hình phạt bổ sung nói trên mới thực sự tạo ra sự khác biệt cơ bản về giá trị của đặc xá ở khía cạnh tạo động lực đối với người bị kết án phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi để họ có cơ hội phấn đấu hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời điều này cũng đòi hỏi công tác xét duyệt, thẩm định, đề xuất phải chặt chẽ hơn để đặc xá đúng nghĩa là ân huệ đặc biệt dành cho những người thực sự xứng đáng, không đặc xá số lượng quá lớn như hiện nay.

Về điều kiện đồng ý bồi thường thiệt hại, đại biểu Hiền cho rằng việc xem xét đặc xá đối với trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản đồng ý bồi thường thiệt hại, sau khi đặc xá cần được giới hạn phạm vi áp dụng với tính chất là trường hợp rất đặc biệt, chỉ nên áp dụng với người có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong quá trình thi hành án.

Theo dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), điều kiện thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền và án phí. Tại điểm c khoản 1 Điều 10 quy định là đã chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí. Trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, nên bỏ quy định tùy nghi này đi, phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm. Quy định này rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng v.v..

Đối với những loại tội này thì nhất định phải thực hiện xong hình phạt tiền và án phí rồi mới được xem xét đặc xá, luật không nên trao cho Chủ tịch nước trách nhiệm xem xét mức độ thực hiện hình phạt tiền án phí của từng người một, trong số hàng nghìn người, như vậy quá chi ly, không cần thiết và không khả thi. Trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại thì đã được quy định tại Chương III của dự thảo. Việc bỏ quy định tùy nghi này góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện đặc xá.

Theo đại biểu Trang, điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự được bản án tuyên bao gồm cả bồi thường thiệt hại được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10. Nhà nước với tư cách là người buộc tội có quyền tha miễn hình phạt cho người phạm tội, khi họ đáp ứng được những điều kiện do nhà nước đặt ra.

Còn nghĩa vụ dân sự, trong đó bao gồm cả bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra nhằm bù đắp những tổn thất, thiệt hại đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và các cá nhân bị hại.

"Khi đặc xá nhà nước có thể tha, miễn hình phạt, nhưng những hậu quả thiệt hại gây ra thì người chấp hành hình phạt tù vẫn phải khắc phục. Vì vậy, nhà nước phải xử lý một cách hợp tình, hợp lý hai mối quan hệ này, chính sách nhân đạo cũng phải thực hiện công bằng với người phạm tội và cả với người bị hại". - đai biểu Trang nêu ý kiến.

Từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2018, tổng số tiền phải thi hành của người đang chấp hành án hình phạt tù 104.000 tỷ đồng, tôi xin nói số tròn mà số đã thi hành được chỉ có 8.000 tỷ đồng, tức là chỉ đạt được 8%.

Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3,5 năm có đến gần 95.000 tỷ đồng của nhà nước, của các tổ chức và cá nhân bị hại chưa được thi hành, có nghĩa là còn một khoảng thiệt hại tổn thất lớn chưa được bù đắp.

Bà Trang cho rằng, quy định việc chấp hành nghĩa vụ dân sự thành một điều kiện bắt buộc để xem xét đặc xá là hết sức cần thiết, tạo ràng buộc để người phải thi hành án và người thân của họ nỗ lực, cố gắng thực hiện nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh đồng người có điều kiện thi hành án dân sự mà không chấp hành với người không có điều kiện thi hành án dân sự, tránh tình trạng quá nhân đạo với người có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành hoặc quá khắt khe đối với người cải tạo tốt nhưng về kinh tế thì thực sự khó khăn. “Theo tôi phải căn cứ vào điều kiện thi hành án dân sự của phạm nhân, căn cứ vào mối quan hệ giữa điều kiện thi hành án và kết quả thi hành của họ để nhìn nhận đánh giá ý thức cải tạo chấp hành pháp luật từ đó có cách xử lý khác nhau”. – bà Trang nói.

Vẫn theo bà Trang, Luật Đặc xá nên có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất với Luật Thi hành án dân sự ở điểm này, có như vậy mới phù hợp với thực tiễn, có nghĩa là chúng ta nên cần phân người phải thi hành án dân sự là phạm nhân thành hai trường hợp:

Một là phạm nhân có điều kiện thi hành án, đối với nhóm phạm nhân này thì phải chấp hành nghĩa vụ dân sự trong khả năng mà mình có thể thì mới được xem xét đặc xá. Trường hợp này nếu như không chấp hành thì không thể đánh giá có ý thức chấp hành pháp luật tốt được, không thể đánh giá có ăn năn hối cải được. Vì vậy, không nên xem xét đặc xá, trừ trường hợp người được thi hành án có văn bản đồng ý.

"Tuy nhiên, theo tôi chúng ta không nên quy định việc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá để làm điều kiện đặc xá, vì khi có điều kiện thi hành án bị ràng buộc đang ở trong tù nhưng cũng không chấp hành thì khi ra tù việc tự nguyện chấp hành phần dân sự rất không khả thi. Có một số trường hợp chỉ là hứa hão hoặc cách nói "đãi bôi" để được đặc xá". - bà Trang nói.

Hai là phạm nhân chưa có điều kiện thi hành án. Việc này được thể hiện bằng quyết định chưa có điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Nếu đủ các điều kiện mà luật này quy định mặc dù chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự bởi họ không có điều kiện thi hành cũng có thể xem xét để đặc xá.

"Thực tiễn qua công tác xác minh của cơ quan thi hành án dân sự cho thấy nhiều phạm nhân có hoàn cảnh gia đình, kinh tế hết sức éo le, khó khăn, gia đình ly tán, nhà cửa tan hoang, bị người thân ruồng rẫy, tài sản không có gì, họ không thể có khả năng thi hành án nghĩa vụ dân sự. Đối với trường hợp này theo tôi nên tạo cơ hội trả tự do cho họ để họ có điều kiện lao động, thi hành phần nghĩa vụ dân sự mà không cần có sự đồng ý của người được thi hành án. Bởi vì trong trường hợp người được thi hành án không đồng ý lại ảnh hưởng đến khả năng được đặc xá của họ". - bà Trang cho biết thêm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi): Đại biểu tranh luận về điều kiện hưởng đặc xá tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713980648 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713980648 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10